Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tiết kiệm từng đồng bạc của dân".

Thứ hai - 02/01/2017 03:33


Tiếp tục phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, sáng nay các đại biểu đã nghe nhiều ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương  và kết luận của Thủ tướng chính phủ.
Trong buổi chiều ngày 28 và sáng ngày 29/12, đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành trung ương đã phát biểu thảo luận nhiều ý kiến đóng góp cho dự tháo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2017. Mở đầu phiên thảo luận sáng 29/12, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu một số nội dung liên quan đến công tác phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; thành lập huyện đảo Thổ Chu; xét tuyển vị trí việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số vào các cơ quan nhà nước sau khi ra trường. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu: Thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng. Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác 1 cửa quốc gia, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ và mục tiêu đến năm 2020 cơ bản phải kết nối hết các thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu một số nội dung liên quan đến đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm,... tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Bộ đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản về đảm bảo an ninh kinh tế; liên tục mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong năm 2016 đã triệt phá hơn 1000 các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp,...)
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các mục tiêu đã đạt được rất tích cực cả về xuất khẩu; tổng mức luân chuyển hàng hóa; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khoảng 7,4%;...Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy ngành Công Thương; đơn giản hóa thủ tục hành chính với những cải cách triệt để, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong các hoạt động nhập khẩu, lưu thông. Trong năm 2017, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề về đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội (xây dựng các nhà máy phát điện trọng điểm, phát triển hệ thống truyền tải, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý vận hành các công trình thủy điện, xử lý tro, xỉ thải các nhà máy nhiệt điện; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...). Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh phát biểu một số nội dung về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế; phát triển thị trường khoa học công nghệ;...Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp hỗ trợ những doanh nghiệp đầu đàn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; xuất khẩu công nghệ cao; sở hữu trí tuệ.  Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu nhấn mạnh, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn thách thức lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sự cố môi trường biển ở miền Trung), tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong năm lên tới gần 2 tỷ USD - đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, năm 2017 nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp có mặt gay gắt hơn như: Chính sách bảo hộ sản phẩm của các nước sẽ ảnh hưởng tới cả xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường (gió mùa đông bắc có xu hướng lệch đông gây mưa lớn, lũ lụt ở miền Trung, miền Nam); nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi... Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp quản lý tích cực, hiệu quả.

Bộ trưởng đề nghị năm 2017 phải tập trung tháo bằng được 4 nút thắt sản xuất nông nghiệp gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000 - 700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỷ phát triển nông nghiệp công nghệ cao;...Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế; đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. \
Thay mặt Chính phủ, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh rất khó khăn về thiên tai, nhân tai, song chúng ta đã đoàn kết, vượt qua để đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội. Chúng ta có 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là chúng ta vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên. Thành tựu đạt được trong năm qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn (thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường...), để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là chính quyền cơ sở vì nơi đây sát dân.  Thủ tướng yếu cầu tập trung điều hành trong năm 2017 phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016 trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh... Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, "tiết kiệm từng đồng bạc của dân", chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm,... với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp…./.
                                                                                                                                                                                                                                                                Phan Quý

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây