Tăng cường công tác phòng chống sinh vật hại cây trồng vụ Đông Xuân các tỉnh, thành phố phía Bắc

Thứ tư - 08/04/2020 00:10
Ngày 07/4/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố phía Bắc về tăng cường công tác phòng chống sinh vật hại cây trồng vụ Đông Xuân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị.

Ngày 07/4/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố phía Bắc về tăng cường công tác phòng chống sinh vật hại cây trồng vụ Đông Xuân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông tỉnh.

Tăng cường công tác phòng chống sinh vật hại cây trồng vụ Đông Xuân các tỉnh, thành phố phía Bắc

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn

Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính, dự báo phát sinh và đề xuất các giải pháp chỉ đạo phòng chống. Dự báo tình hình thời tiết, khí hậu các tỉnh phía Bắc từ nay đến cuối vụ Đông Xuân.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật về tình hình sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính, đến nay trên cây lúa tại các tỉnh phía Bắc đã có trên 13.558ha mắc bệnh đạo ôn lá; hơn 204ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; 2.019,3ha bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại; 9.943ha bị sâu cuốn lá nhỏ.

Đối với các cây trồng khác, sâu keo mùa thu đã gây hại 773,1ha ngô; bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng 2.592ha sắn tại các tỉnh Đông Bắc Bộ; châu chấu tre lưng vàng (gây hại trên tre, luồng, vầu) bắt đầu gây hại ở Cao Bằng và Điện Biên (tại Điện Biên diện tích nhiễm 18,5 ha, ở Cao Bằng 0,3 ha đã được phòng trừ).

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ bùng phát của sâu, bệnh hại, Bộ Nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, chống sâu bệnh hại lúa và các cây trồng chính.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp sẽ thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng phát sinh gây hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại các cây trồng chủ yếu; trong đó các địa phương phải nghiêm túc chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV; Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV ngày 15/7/2019 về việc tăng cường phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô và phòng trừ theo quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy trình phòng, chống sâu keo mùa thu. Các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảnh báo tình hình thời tiết hiện nay tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu hại bùng phát trên lúa đông xuân tại các tỉnh phía Bắc, nhất là bệnh đạo ôn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh sản lượng lúa của vụ đông xuân chiến trên 60% sản lượng lúa của cả năm, bởi vậy các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến cây trồng trong vụ này vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm và có tính quyết định đến thắng lợi của vụ đông xuân.

Để chủ động phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng chính, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra và các cơ quan chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 3-4-2020 về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại lúa đông xuân ở các tỉnh phía bắc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh các tỉnh, thành phố phía Bắc và các cơ quan liên quan cần tập trung theo dõi các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên các cây trồng khác (như sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre lưng vàng, châu chấu sa mạc…), xử lý ngay khi mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch./.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây