Năm 2019, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương đã vào cuộc đồng bộ để triển khai công tác giảm nghèo, do vậy kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2019 đạt được khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2019 là 19,57% giảm so với đầu năm là 2,31%.
Tuy nhiên, còn 4 huyện chưa đạt mục tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo là Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn, Ngân Sơn; việc giải ngân nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp chậm, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Thực tế triển khai cho thấy, việc quản lý các nguồn vốn thiếu tập trung, khó khăn trong theo dõi, quản lý, tổng hợp số liệu; việc đánh giá các mô hình phát triển sản xuất chưa tốt nên chưa nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo hay; bên cạnh đó công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện của Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, xã chưa sâu sát, quyết liệt, kịp thời....
Năm 2020, tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,5%, trong đó huyện nghèo giảm 3,5 - 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%; số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 5.000 người; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%; tăng thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cho toàn bộ hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2019, thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo năm 2020 đã đề ra, tỉnh Bắc Kạn xác định các giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo, trong đó thực hiện tốt công tác giảm nghèo cho hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công. Xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình; tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản liên quan của Trung ương và của tỉnh về công tác giảm nghèo.
Để giảm nghèo thành công, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân người nghèo cần phải tự lực vươn lên. Chính vì vậy, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.
Cấp phát gạo cho học sinh nghèo huyện Ngân Sơn, đợt 1/2019 |
Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định cụ thể mục tiêu phấn đấu giảm nghèo, tuyên truyền vận động đăng ký thoát nghèo, dự kiến các hộ có khả năng thoát nghèo để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban, ngành, cán bộ theo dõi, giúp đỡ; đồng thời tập trung nguồn lực, định hướng các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo.
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020 cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị nhất là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Xác định mục tiêu giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được xem xét trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương.
Các đơn vị, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình, đảm bảo các nội dung được triển khai đầy đủ, toàn diện đến cộng đồng, người dân tham gia từ khâu xác định đối tượng thụ hưởng đến khâu lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong quá trình thực hiện, qua đó người dân hiểu được họ vừa là người triển khai và là người thụ hưởng Chương trình.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cho người nghèo, tạo điều kiện, cơ hội cho người nghèo biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất tạo ra các sản phẩm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư dành cho công tác giảm nghèo; sử dụng các nguồn lực từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho mục tiêu giảm nghèo tại các địa phương. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
Các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng nghèo của từng địa phương.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cần được tăng cường gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong việc phối hợp triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo. Đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các giải pháp được triển khai đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo trong thời gian tới, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo tỉnh đã đề ra./.
Tác giả: Hương Dịu
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn