Phòng chống lụt bão: “Không chủ quan lơ là”

Thứ tư - 23/08/2017 14:39
Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống dân sinh. Mùa mưa bão năm 2017 đã đến và đang diễn biến phức tạp.

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống dân sinh. Mùa mưa bão năm 2017 đã đến và đang diễn biến phức tạp. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão và thiên tai bất thường có thể xảy ra được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện các phương án phòng, chống lũ lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân cũng đang được triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Phòng chống lụt bão: “Không chủ quan lơ là”
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nông Văn Chí thăm hỏi, động viên các hộ gia đình đã di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến Khu tái định cư Lẻo Luông, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm

Trong tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/7/2017, sau khi thăm nắm tình hình khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Nà Cáy, thôn Thôm Mò, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Bạch Thông, UBND xã Quân Bình khẩn trương thực hiện di dời và bố trí chỗ ở cho 11 hộ dân tại khu vực sạt lở đến nơi an toàn ngay trong chiều ngày 11/7/2017; cắm biển cảnh báo không cho người dân đi vào khu vực sạt lở đất; cử người theo dõi diễn biến khu vực sạt lở để cảnh báo kịp thời cho nhân dân; chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội và UBND xã Quân bình có phương án và cử lực lượng đến để bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian di dời. Thực hiện sự chỉ đạo, huyện Bạch Thông đã tổ chức thực hiện ngay việc di dời người và tài sản cho 11 hộ đến nơi an toàn và bố trí đủ chỗ ở; bố trí người và phương tiện giúp các hộ dân di dời đến nơi an toàn; tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ phải di dời; cử lực lượng bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian di dời; đồng thời hỗ trợ trước mắt 5 triệu đồng/hộ đối với các hộ phải di dời, tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để hỗ trợ đúng theo quy định; yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương tổ chức thi công Dự án đầu tư Khắc phục sạt lở đất khu dân cư Nà Cáy, thôn Thôm mò, xã Quân Bình, huyện Bạch Thông…

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ tháng 5 đến hết tháng 7/2017, mưa bão đã làm thiệt hại trên 300 nhà dân; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại; trên 20 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 579m kênh mương bị gẫy, 330m kè bị hỏng; sạt lở đất gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường...

Phòng chống lụt bão: “Không chủ quan lơ là” - Ảnh minh hoạ 2

Sạt lở đất trên Quốc lộ 3, đoạn qua xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới ngày 17/8/2017

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017, diễn biến mưa, bão vẫn khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, để công tác PCTT-TKCN thật sự có hiệu quả, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và xây dựng Kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai với những nhiệm vụ và giải pháp chi tiết, cụ thể; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố và các ngành tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng phương án ứng phó nhanh nhất, hiệu quả nhất với mọi tình huống xảy ra; thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, hồ chứa nước, công trình di dân tái định cư tại những khu vực sạt lở, công trình kè chống xói lở bờ sông suối báo cáo UBND tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời; rà soát, kiểm kê nguồn nhân lực, các vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai… Đồng thời tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại để triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động khắc phục theo phương châm “Bốn tại chỗ”, kịp thời thăm hỏi động viên những gia đình bị thiệt hại nặng; huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa nhà cửa, cải tạo lại diện tích đất sản xuất bị vùi lấp, khắc phục các công trình bị hư hỏng. Đồng thời rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao về ngập úng, lũ, sạt lở đất để có phương án di dời, đảm bảo tài sản; cắm biển cảnh báo nguy cơ ngập lụt, sạt lở các tuyến đường giao thông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông…

Các cơ quan thông tin trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực tỉnh và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung kiến thức về phòng, chống thiên tai; đăng tải, thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền, cảnh báo tình hình mưa lũ đến từng thôn, bản, người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để người dân sẵn sàng ứng phó các tình huống bất thường, cực đoan.

Trước mùa mưa bão năm 2017, một số địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ bị sạt, lở, ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai ra khỏi vùng nguy hiểm đã được cảnh báo, điển hình như: Tại huyện Pác Nặm đã hoàn thành việc di dời 15 hộ dân tại xã Giáo Hiệu và xã Nhạn Môn ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt, lở cao đến khu ở mới; huyện Chợ Mới di dời 13 hộ dân ở thôn Khuổi Lót, xã Thanh Bình ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống…

Mùa mưa bão đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trong tỉnh. Mỗi gia đình, mỗi người dân cũng cần chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản bằng các biện pháp như giằng, néo mái nhà, gia cố chuồng trại, thường trực tinh thần ứng phó với thiên tai. Việc chủ động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng cho công tác PCTT-TKCN của các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi hộ gia đình, mỗi người dân sẽ góp phần hạn chế đáng kể những thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Tác giả: Thu Cúc

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây