Ra đời từ cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay đã trải qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.
Ra đời từ cách mạng Tháng Tám năm 1945
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên toà của Xô Viết - Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết.
Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”. Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.
Ngày 15/5/1945, Xứ uỷ Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ uỷ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.
Ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng; đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam.
Ngày càng phát triển vững mạnh
Từ khi ra đời, cùng với quá trình chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng CAND luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển lớn mạnh không ngừng. Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát trong toàn quốc thành lập “Việt Nam Công an vụ”. Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng đổi thành Sở Công an Bắc Bộ; ở Trung Bộ, Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung Bộ; ở Nam Bộ, Quốc gia Tự vệ cuộc đổi thành Sở Công an Nam Bộ; ở các tỉnh, thành phố có Ty Công an.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 14/SL thành lập Thứ Bộ Công an. Tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ từ ngày 27 đến 29/8/1953, xét công tác công an ngày càng quan trọng cần phải được tăng cường về tổ chức và cán bộ, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.
Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg xác định mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an. Lực lượng Công an nhân dân càng chiến đấu càng trưởng thành. Ngày 20/7/1962, Hồ Chủ tịch ký lệnh 34-LCT công bố pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân nhằm tăng cường kiện toàn bộ máy lực lượng Công an, đồng thời đáp ứng tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Ngay từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự giám sát của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và từng bước trưởng thành, cùng quân và dân ta đánh tan mọi kẻ thù xâm lược, thế lực phản động, chống phá, bảo vệ vững chắc nền an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân.
Lực lượng CAND Bắc Kạn ngày càng phát triển vững mạnh |
Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (Điều 11, Chương I, Luật CAND).Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt, quan trọng của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sư tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đồng thời, đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.
Tác giả: Hương Dịu (Tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn