Từ năm 2012 đến nay, Bắc Kạn có 2.430 sinh viên chưa có việc làm trong tổng số 3.133 sinh viên đã tốt nghiệp các trường Đại học và Cao đẳng.
Mặc dù công tác tuyển dụng đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm chỉ đạo thực hiện song do khó khăn về biên chế nên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh những năm qua chưa cao. Theo thống kê của ngành chức năng, số sinh viên chưa có việc làm là 2.430 người, trong đó nhiều nhất là sinh viên thuộc chuyên ngành giáo dục, nông lâm nghiệp, kinh tế, y tế…
Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc gia tăng tội phạm và các tệ nạn xã hội. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 14 đối tượng sinh viên chưa có việc làm vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm pháp luật hình sự có 10 đối tượng, vi phạm về quản lý hành chính có 4 đối tượng. Các đối tượng đều đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những năm qua, công tác đào tạo nhân lực của địa phương chưa xuất phát từ nhu cầu xã hội, có nhiều ngành nghề trong các trường cao đẳng, đại học được tuyển sinh và đào tạo vượt quá nhu cầu tuyển dụng dẫn đến hiện trạng nguồn cung nhân lực vượt quá cầu. Thị trường lao động của tỉnh chưa phát triển, môi trường làm việc để người lao động nâng cao tay nghề không ổn định, việc làm bấp bênh; lĩnh vực thu hút đầu tư cho giáo dục, đào tạo chưa hấp dẫn và chưa có thị trường. Chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Quy hoạch nhân lực của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định: Kết hợp giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các địa phương khác trong cả nước; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực then chốt mà tỉnh có thế mạnh; phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện cả về trí lực, thể lực, tâm lực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh việc đầu tư có trọng điểm để thu hút và đào tạo ra những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhằm phục vụ cho những ngành nghề là mũi nhọn của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2020, trong những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực.
Khối cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được phân công đã tập trung triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nhân lực trong việc phát triển kinh tế; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến phát triển nhân lực; cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch; triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, rà soát, điều chỉnh mạng lưới các cơ sở dạy nghề; phát triển mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện kế hoạch phát triển nhân lực ngành y; tổng hợp, đề xuất nhu cầu đào tạo lao động cho các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo đã làm tốt vai trò tổng hợp và dự báo nhu cầu nhân lực của toàn tỉnh và thực hiện các kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp với nhu cầu, từng bước gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng lao động. Khối các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chú trọng công tác quy hoạch nhân sự, lập kế hoạch sử dụng lao động hằng năm và trung, dài hạn, thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các cơ sở đào tạo để có kế hoạch cung ứng nguồn lao động phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Các cấp chính quyền địa phương rà soát và bổ sung quy hoạch nhân sự và quy hoạch/kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp mình.
Định hướng nghề nghiệp sớm giúp hạn chế tình trạng sinh viên thất nghiệp (Ảnh: Ngày hội hướng nghiệp tại Trường THCS Cư Lễ, huyện Na Rì) |
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo; đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân lực cần sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chú trọng thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các nhà tuyển dụng, các tổ chức xã hội để tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực cũng như tạo mối quan hệ giữa nhà trường với nhà tuyển dụng, sinh viên với các cơ quan tuyển dụng để đảm bảo sự cân bằng giữa cung - cầu đối với nguồn lao động, góp phần giải quyết tình trạng sinh viên thất nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đào tạo - dạy nghề của địa phương./.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn