Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Thời khắc lịch sử đó đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong không khí hào hùng của cả nước kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2015), chúng ta cùng nhớ về những thời khắc lịch sử cách đây tròn 72 năm.
Từ ngày 28/8/1945
Từ nơi ở là ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền - trụ sở của Chính phủ lâm thời.
Người dành phần lớn thời gian soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngày 30/8/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Sau khi đọc bản thảo cho mọi người nghe và hỏi ý kiến, Người nói: trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy.
Ngày 31/8/1945
Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập; hỏi cụ thể về tình hình chuẩn bị tổ chức cuộc mít tinh lớn ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) và nhắc nhở Ban Tổ chức một số điểm cần chú ý.
Ngày 1/9/1945
16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Ác-si-mét Pát-ti và Gré-lec-ki (là những thành viên của nhóm đặc phái viên thuộc Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS) của Mỹ được cử sang giúp đỡ Việt Minh) dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Cùng dự tiếp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hoàng Minh Giám.
Với một giọng thân mật, Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn đối với những người bạn Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được trong mấy năm gần đây, đặc biệt là cảm ơn sự giúp đỡ của Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS). Người cũng nhắc đến Tướng Chennault, Đại tá Helliwell, Glass, các Thiếu tá Thomas và Holland cùng những người khác trong toán công tác của họ. Người tỏ ý mong rằng tinh thần “hợp tác hữu ái” đó sẽ tiếp tục phát triển trong các năm tới.
Trong cuộc trò chuyện, Người cũng biểu thị cho người Mỹ và các nước Đồng minh biết lòng tin tưởng và quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam để tự giải phóng mình thoát khỏi “mọi sự cai trị của bên ngoài, dù cho đó là của Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai”. Người cũng nói cho người Mỹ hiểu: phong trào dân tộc của Việt Nam bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam. Người công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là nhân tố lãnh đạo phong trào dân tộc đó, nhưng các đảng viên trước hết là những người yêu nước, sau đó mới là đảng viên của Đảng.
Người cũng nói về nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 và đề nghị Chính phủ Mỹ yêu cầu quân đội Tưởng vào Việt Nam phải mua bán chứ không được trưng thu các vật phẩm và lương thực trong thời gian họ ở đây để tránh gây ra tình hình người Việt Nam bắt buộc phải tiến hành chiến tranh đối với người Trung Quốc để bảo vệ cuộc sống và gia đình họ.
Ác-si-mét Pát-ti nhận lời sẽ chuyển yêu cầu đó của Chính phủ Hồ Chí Minh về Mỹ.
Buổi tiếp kiến kéo dài đến 19 giờ 30 phút trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thân tình.
Ngày 2/9/1945
14 giờ, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua.
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
Bản Tuyên ngôn độc lập là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã nảy sinh và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách bản lĩnh kiên cường ý chí bất khuất của dân tộc ta. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam (...). Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hoà”.
Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:
“Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.
19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với đại biểu các tỉnh.
Cùng ngày, Người gửi thư cho toàn thể Hoa kiều ở Việt Nam. Bức thư có đoạn: “Tôi xin thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam và toàn dân Việt Nam đưa bàn tay nồng nhiệt hoan nghênh anh em Hoa kiều sinh sống trên đất nước ta, mong rằng anh em hai nước chúng ta thân mật, đoàn kết, có việc gì thì giải quyết với nhau theo nguyên tắc hợp pháp hợp lý với thái độ kính trọng nhường nhịn lẫn nhau, không được vì những việc tranh chấp nhỏ của cá nhân mà gây điều bất hạnh ngăn cách giữa hai dân tộc”.
Ngày 3/9/1945
Sáng, tại Bắc Bộ phủ (trụ sở tạm thời của Chính phủ), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức.
Người trình bày trước Hội đồng Chính phủ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bao gồm sáu vấn đề:
1. Giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo”.
2. Giải quyết nạn dốt. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
3. Phải có một hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v”.
4. Phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Người đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”.
5. Đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.
6. Đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương - Giáo đoàn kết.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể. Trong thông báo, Người lưu ý:
“1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.
2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.
3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”.
Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Ác-si-mét Pát-ti tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội). Người thông báo: Hội đồng Chính phủ lâm thời đã họp vào buổi sáng, thông qua một chương trình công tác gồm sáu điểm.
Nhắc đến sự kiện ngày 2 tháng 9 quân Pháp đã gây rối ở Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ để các nhà chức trách Đồng minh biết rằng, dù đảng nào hay nhóm nào gây ra cuộc rối loạn thì Việt Minh sẽ có trách nhiệm đảm bảo không để cho tình hình đó tái diễn..../.
Tác giả: Theo dangcongsan.vn
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn