|
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2017 được Liên hiệp quốc chọn là “Sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng động gắn bó với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của thiên nhiên đối với cuộc sống con người, đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên.
Ngày 5 tháng 6 năm 1972, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người và Môi trường Thế giới được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) được thành lập. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc cũng đã quyết định chọn ngày 5 tháng 6 hàng năm kể từ năm 1972 là Ngày Môi trường Thế giới và giao cho UNEP tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Kể từ đó, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày kỷ niệm này.
Hàng năm, vào Ngày Môi trường thế giới 05/6, Đại Hội đồng Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm chính thức với mục đích tập trung sự chú ý của toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường, khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP để tổ chức trọng thể các hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường. Chủ đề, khẩu hiệu và logo của Ngày Môi trường thế giới sẽ được chuyển tải thông qua các tài liệu tuyên truyền cũng như các hoạt động hưởng ứng sự kiện trên toàn cầu.
Các hoạt động tổ chức Ngày Môi trường thế giới rất đa dạng, phong phú. Ngày Môi trường thế giới chính là “sự kiện của người dân” tham gia các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp; tổ chức các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về môi trường; phát động chiến dịch trồng cây xanh, các chiến dịch khuyến khích tái chế chất thải và làm sạch môi trường; tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn về chủ đề gìn giữ sự trong lành của môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau...
Ngày Môi trường thế giới còn là cơ hội để ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường. Các công chức địa phương, vùng và chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường sẽ đưa ra các công bố và cam kết chăm sóc trái đất của chúng ta.
Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Trong những năm qua, để bảo vệ Môi trường, Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Cùng với đó là kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu…
Tại Bắc Kạn, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua cũng được đặc biệt coi trọng. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh thường xuyên quán triệt, phổ biến những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hàng năm, nhân kỷ niệm Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…, ngành Tài nguyên - Môi trường đều phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về môi trường thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các lớp tập huấn, lễ ra quân, mít tinh, tuyên truyền cổ động, các cuộc thi tìm hiểu về bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư… thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia.
|
Thanh niên Thành phố Bắc Kạn vệ sinh đường Nam Đội Thân, phường Phùng Chí Kiên, |
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà việc phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường trên địa bàn tỉnh cũng đã có những chuyển biến rõ nét. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động khai thác khoáng sản trước khi được triển khai thực hiện đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Các khu đô thị, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung đã triển khai đồng bộ các công trình bảo vệ môi trường trong kết cấu hạ tầng đô thị; các dự án phát triển giao thông đều gắn kết với công tác bảo vệ môi trường. Trong quy hoạch nông thôn mới, Bắc Kạn đã đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường thành một chỉ tiêu quan trọng để xác định xã đạt nông thôn mới. Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh đã xây dựng được chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài, trong đó gắn kết bảo vệ môi trường với phát triển bền vững, đặc biệt là khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể…
Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả, lâu dài, một trong những giải pháp hữu hiệu Bắc Kạn đang thực hiện đó là đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, ngành chức năng và các địa phương cũng đều tổ chức thực hiện hiệu quả việc trồng rừng, nhờ đó tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn đạt 73% - cao nhất trong cả nước, các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các nguồn gen bản địa quý hiếm đã bước đầu được bảo vệ. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Trung tâm Tài nguyên môi trường miền núi, Trường Đại học Nông, lâm Thái Nguyên tiến hành điều tra, thống kê và đánh giá đa dạng sinh học của tỉnh để nghiên cứu, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học cơ bản.
Ngoài ra, Bắc Kạn đang tích cực khuyến khích nhân dân sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ các sản phẩm và phế liệu thải không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường. Việc lắp đặt, xây dựng các hầm bể Biogas quy mô gia đình để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ đun nấu, thắp sáng cũng là một trong những giải pháp hữu ích hiện đang được các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn triển khai vận động người dân tham gia.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Bắc Kạn đang cùng với cả nước đẩy mạnh các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới cuộc sống “hài hòa với thiên nhiên”…/.
Tác giả: Thu Cúc (Tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn