Trong giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hết sức vẻ vang.
Từ khi phát động phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian quan tâm, theo dõi phong trào, viết báo tuyên truyền, nói chuyện tại các Đại hội thi đua. Người đã dự 4 Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc (Đại hội I, năm 1952; Đại hội II, năm 1958; Đại hội III, năm 1962; Đại hội IV, năm 1966). Người còn tham dự trên 20 Đại hội thi đua của các lực lượng, các địa phương, các ngành, các giới: Quân đội, công an, phụ nữ, thanh niên, nông nghiệp, giáo dục. Đồng thời, viết thư kêu gọi, viết báo nêu gương các anh hùng chiến sĩ thi đua, những tấm gương người tốt, việc tốt… Những bài phát biểu của Người tại các lần Đại hội trên là những chỉ dẫn cụ thể định hướng cho phong trào thi đua. Người nêu rõ sự cần thiết phải thi đua, ý nghĩa, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lao động cải tạo xã hội, thi đua cải tạo con người” trên tinh thần “công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”, bởi vậy, trong thi đua, mỗi người đều có ý thức phấn đấu vươn lên để làm tốt công việc của mình và thi đua yêu nước, trước hết là cuộc thi với chính mình, vượt lên chính mình, tức là “chiến thắng mọi tính xấu trong ta”, để là một người luôn luôn cầu tiến bộ, có đủ năng lực, ý chí, đạo đức, hoàn thành tốt công việc hằng ngày, đồng thời luôn có những suy nghĩ, tìm tòi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để công việc đạt hiệu quả cao nhất, tốt nhất. Trong thi đua mọi người nêu cao tinh thần đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các Anh hùng và chiến sĩ thi đuanông nghiệp (27/5/1957)- Ảnh internet |
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải được tiến hành thường xuyên, biến thành một nếp làm việc, một thói quen tốt mà ai ai cũng phải bền bỉ, cố gắng rèn luyện làm theo.Người cũng chỉ rõ: Tổ chức thi đua là công tác vận động quần chúng nên những người làm công tác thi đua “phải đi sâu đi sát phong trào, bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo kiểu chuồn chuồn đạp nước. Phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chỉ có tính hình thức, có phát mà không động, càng không nên đầu voi đuôi chuột”. Thi đua phải có mục đích rõ ràng, khoa học, toàn diện và cụ thể. Có mục đích cho cả nước, cho từng vùng miền, từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi đồng thời phải có mục đích thi đua lâu dài và trước mắt. Mục đích trước mắt tạo điều kiện tiến tới thực hiện mục đích lâu dài. Trong từng thời gian có mục tiêu đột xuất giải quyết khâu quan trọng, then chốt, thúc đẩy các khâu khác phát triển. Mục đích thi đua phải gắn liền với các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, quân sự, kháng chiến cứu nước, xây dựng đất nước, phù hợp với khả năng thực tế trong từng thời kỳ để nâng cao từng bước một cách tích cực.
Để đảm bảo cho phong trào thi đua thắng lợi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần có hai điều: “một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”. Chỉ dẫn này luôn đúng trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, để phong trào thi đua phát huy được tác dụng trong thực tiễn, thi đua phải có tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phổ biến sáng kiến. “Kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại” cũng cần được trao đổi “để tránh cái dở, học cái hay của nhau”. Những người lãnh đạo phong trào thi đua phải có nhiệm vụ tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức phát động để phong trào thi đua đi vào cụ thể và đạt hiệu quả thiết thực.
Người chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua phải có khen thưởng. Đây là một việc quan trọng của công tác tổ chức thi đua. Theo Bác Hồ: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc những cá nhân, tập thể tiêu biểu đã có công lao, đóng góp sẽ có tác dụng động viên khuyến khích, tạo được những tấm gương cho xã hội. Điều này cũng trực tiếp làm phong trào thi đua phát triển và nếu không làm được điều đó sẽ triệt tiêu động lực và gây hậu quả xấu với công tác thi đua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ IV năm 1966 - Ảnh internet |
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng một cách sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ta là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhằm tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước trong giai đoạn mới, ngày 04 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.
69 năm trôi qua, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vẫn còn vang mãi, là động lực tinh thần to lớn, góp thêm sức mạnh cho “người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua”, phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia./.
Tác giả: Hoàng Huế - Ban Thi đua Khen thưởng, Sở Nội vụ (tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn