Để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, chiều 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành. Các đồng chí Hoàng Duy Chinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Lý Thái Hải - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, sau khi thông báo về dự kiến thời gian, nội dung Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghe UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm; báo cáo tổng hợp những khó khăn, bất cập và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
4 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định an ninh quốc phòng, UBND tỉnh và các sở ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng và xây dựng hợp tác xã kiểu mới.
Hiện nay toàn tỉnh có 55.276 hộ chăn nuôi lợn, trong đó 1.290 hộ có quy mô nuôi trên 10 con; tổng đàn lợn toàn tỉnh là 196.833 con; tổng số lợn nái 18.896 con. Số lợn đã bán được là 15.605 con, với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Hiện nay UBND tỉnh đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi. Trong đó chỉ đạo, vận động người dân tập trung ủng hộ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn; các ngân hàng xem xét giãn, khoanh nợ cho người chăn nuôi; các cơ sở cung ứng vật tư giảm giá đầu vào, tạo điều kiện duy trì sản xuất ổn định.
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhất là tại Vườn Quốc gia Ba Bể. Qua rà soát thống kê, trên địa bàn Vườn Quốc gia Ba Bể hiện có 30 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ từ nhiều năm, trong đó riêng năm 2016 phát hiện 11 vụ (11 cây) với tổng khối lượng 102m3 gỗ. Trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ phát, phá rừng trái phép, tổng diện tích thiệt hại 14,4ha; xảy ra 05 vụ cháy rừng trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích bị cháy 5,9ha; xử lý 169 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu trên 351,6m3 gỗ các loại với số tiền phạt trên 1,3 tỷ đồng. Các vụ việc đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành tập trung chỉ đạo. Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh trực thuộc UBND tỉnh đã được kiện toàn và đi vào hoạt động. Trong tháng 3/2017, tỉnh đã tổ chức lễ công bố Quyết định và trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 2 xã Quân Bình và Cẩm Giàng (Bạch Thông). Cũng trong tháng 3, UBND tỉnh đã tiến hành thẩm định đối với xã Cường Lợi (Na Rì), tuy nhiên các tiêu chí còn ở mức thấp. Toàn tỉnh hiện có 1 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 36 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 69 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 01 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 8,89 tiêu chí, tăng 1,03 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016.
Về sản xuất công nghiệp, trong tháng 4/2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả các dự án công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời tích cực chỉ đạo rà soát, tái cơ cấu các dự án để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2017. Cũng trong 4 tháng đầu năm, cả tỉnh có 28 doanh nghiệp thành lập mới, 16 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 3 doanh nghiệp giải thể; thành lập mới được 10 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 lên 92 hợp tác xã. Hiện cả tỉnh có 1.088 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia), trong đó có trên 650 doanh nghiệp đang hoạt động và 300 doanh nghiệp có phát sinh thuế giá trị gia tăng.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh một số vấn đề như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù đối với các dự án thực hiện Chương trình 135 theo hướng cho phép địa phương tự thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo kế hoạch vốn được thông báo. Đối với kế hoạch vốn năm 2017, đề nghị điều chỉnh lại thời gian phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thuộc các chương trình MTQG đối với những dự án khởi công mới năm 2017, để các dự án mới có đủ điều kiện giải ngân kế hoạch vốn được giao. Đề nghị Trung ương sớm phê duyệt danh sách các xã, thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 và các huyện nghèo 30a mới theo quy định để các địa phương sớm triển khai thực hiện; xem xét bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho các địa phương có số xã, thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 và các huyện nghèo 30a tăng hơn so với giai đoạn trước...
Ngoài ra, các sở ngành cũng kiến nghị sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Thủy lợi, Luật Đấu thầu; đề nghị Trung ương cần có quy định cụ thể các chính sách về phát triển hợp tác xã, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã, quy định về thời hạn sử dụng phương tiện giao thông…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Duy Chinh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị, sở ngành. Cùng với các ý kiến, kiến nghị của cử tri toàn tỉnh đã phản ánh tại các cuộc tiếp xúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ ba./.
Tác giả: Thu Hiền
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn