Cách đây đúng 70 năm, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, căn cứ địa thần thánh của cuộc kháng chiến cả nước nhằm chụp bắt bộ máy đầu não lãnh đạo, đánh quỵ bộ đội chủ lực, phá hủy tiềm năng kháng chiến của ta, mở đường cho việc thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, kết thúc cuộc tái xâm lược theo chủ trương chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, áp đặt sự thống trị trên toàn cõi Việt Nam.
Song tham vọng của kẻ thù đã bị thất bại hoàn toàn trước quyết tâm và sức kháng chiến mạnh mẽ của quân dân cả nước nói chung, quân dân Việt Bắc và Bắc Kạn nói riêng. Sau 75 năm ngày đêm anh dũng chiến đấu (từ 7/10/1947 - 19/12/1947), quân dân Việt Bắc đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến phát triển sang một giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp nhảy dù chiếm thị xã Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới, đến ngày 8/10, chúng tiếp tục nhảy dù chiếm huyện lỵ Chợ Đồn. Như vậy, địch đã chọn 3 vị trí hiểm yếu nhất ở Bắc Kạn để mở đầu cuộc tiến công quân sự lớn.
Nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, tỉnh Bắc Kạn có diện tích gần 4.800km2, địa hình đa dạng, phong phú, núi non hiểm trở, có nhiều sông suối, có hồ Ba Bể phong cảnh đẹp. Ở thời điểm 1947, mật độ dân số chỉ 12 người/km2.. Dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, đời sống các dân tộc hết sức khổ cực nên khi được tuyên truyền, giác ngộ, đồng bảo từ vùng thấp đến vùng cao đều nhất tề đứng lên theo cách mạng. Trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám (1945), Bắc Kạn có vinh dự là địa phương sớm đập tan chính quyền thực dân. Trong đó, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ba Bể là nơi thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện sớm nhất cả nước.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã triển khai nhiều công việc chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, tiếp tục xây dựng hậu phương căn cứ địa.
Thấm nhuần quan điểm "tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự cấp tự túc", "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", đặc biệt với trách nhiệm là địa phương được chọn làm căn cứ địa kháng chiến, Đảng bộ Bắc Kạn rất quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế. Giữa năm 1947, tỉnh lần lượt thành lập các cơ quan chuyên môn như: Khuyến nông, Túc mễ, Khai hoang di dân, Tín dụng sản xuất, Thú ngư và Lâm chính. Thông qua các cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, Đảng bộ lãnh đạo đồng bảo các dân tộc đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm của tỉnh, đóng góp phần mình cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Liên tiếp 2 năm 1946, 1947, lúa mùa bội thu, nông dân phấn khởi.
Để xây dựng lực lượng quân sự, Đảng bộ và chính quyền lãnh đạo củng cố và xây dựng mới lực lượng dân quân tự vệ. Trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, dân quân tự vệ Bắc Kạn thực sự là một lực lượng hùng hậu. Mỗi xã đều có các trung đội hoặc đại đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Giữa năm 1956, tỉnh thành lập Ủy ban bảo vệ cách mạng; đầu năm 1947, thành lập Tỉnh đội dân quân. Cơ quan chỉ huy dân quân tự vệ các cấp được kiện toàn. Chỉ trong thời gian từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến giữa năm 1947, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đại đội, riêng huyện Bạch Thông, đơn vị được chọn làm trọng điểm chỉ đạo, xây dựng được 6 đại đội. Ở một số địa bàn trọng yếu như thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới được chọn xây dựng thí điểm các đơn vị tư vệ tập trung, các đơn vị ở đây được huấn luyện tương đối kỹ và trang bị khá.
Nhìn chung công tác xây dựng căn cứ địa chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên do chưa lường hết sự mạo hiểm của kẻ thù nên cuộc đánh phá bằng không quân, tiếp đó là cuộc đổ bộ đường không của địch làm cho ta bị động, thị xã Bắc Kạn lúc bấy giờ chịu nhiều tổn thất về người và tài sản.
Sau khi chiếm thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới và huyện lỵ Chợ Đồn, Pháp đưa quân chiếm đóng các vị trí quân sự hiểm yếu như Phủ Thông (huyện Bạch Thông), huyện lỵ Ngân Sơn, Bằng Khẩu, Nà Phặc (huyện Ngân Sơn), Bành Trạch (huyện Ba Bể). Trước tình hình khẩn cấp của cuộc chiến, thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chi Minh, Đảng bộ đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc, sát cánh cùng quân và dân Việt Bắc mở chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội, tự vệ vừa bảo vệ vừa giúp dân thu hoạch xong lúa mùa đang chín rộ. Đêm đêm, hàng ngàn dân công tiến hành phá hoại cầu cống, đường sá. Kết quả, đến trung tuần tháng 10/1947, toàn bộ mạng lưới giao thông đã bị phá nát, cản trở việc di chuyển bằng các phương tiện cơ giới của địch.
Tại Chợ Mới (huyện Bạch Thông), ngày 9/10 quân địch kéo ra cướp phá kho tàng, xí nghiệp của ta ở khu vực xã Yên Đĩnh. Bộ đội và du kích lập tức chặn đánh, buộc chúng phải rút. Trong các ngày 12 - 13/10, bộ đội và du kích tổ chức phục kích tại nhiều vị trí hiểm yếu trên quốc lộ số 3. Đáng kể nhất là trận du kích xã Cao Kỳ phục kích diệt 3 xã ô tô, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên địch.
Phát huy thành tích các trận phục kích giao thông, quân ta chủ động tiến công địch ngay trong vị trí của chúng. Đêm 30/11, bộ đội chủ lực phối hợp với trung đội du kích tập trung thị xã Bắc Kạn tiến đánh đồn Phủ Thông, tiêu diệt khoảng 50 tên, thu vũ khí. Chiến thắng Phủ Thông đêm 30/11 đánh dấu bước trưởng thành của quân và dân ta, làm cho quân địch trong các đồn bốt trên toàn Mặt trận đường số 3 hoang mang lo sợ.
Giữa lúc kẻ địch lúng túng, bị động trước sức phản công quyết liệt của ta, buộc phải rút khỏi một số vị trí thì ngày 15/12, tại Đèo Giàng trên quốc lộ số 3, quân ta phục kích một đoàn xe vận tải quân sự của địch. Trong trận này ta tiêu diệt 60 tên địch, phá hủy 17 xe các loại, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Cùng với Phủ Thông, với chiến thắng ngày 15/12, Đèo Giàng trở thành một địa danh lịch sử.
Sau trận Đèo Giàng, ngày 19/12, chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 kết thúc thắng lợi. Như vậy Bắc Kạn vừa là nơi mở màn, vừa là nơi diễn ra trận thắng lớn vào thời điểm kết thúc của một chiến dịch lịch sử.
Trong 75 ngày đêm chiến đấu kiên cường, cùng với quân và dân toàn khu Việt Bắc, quân và dân Bắc Kạn đã lập công xuất sắc, góp phần đánh bại cuọc tiến công quân sự cùng những ý đồ ngông cuồng của thực dân Pháp.
Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đây là cuộc thử thách đầy máu lửa. Nhân dân Bắc Kạn vừa thoát khỏi ách nô lệ, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, dân trí chưa cao nhưng đã làm tròn vai trò địa phương căn cứ địa. Trên ý nghĩa đó, chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương cách đây đúng tròn 70 năm sẽ sống mãi với thời gian như một giá trị cao quý./.
Tác giả: Thu Trang (Tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn