Ngày 21/9/2017, đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Kạn cùng đoàn công tác đã tiến hành giám sát thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Sở Tư pháp.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (TGPLNN) thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kết quả từ năm 2013 đến nay, Trung tâm TGPLNN đã tiến hành tổ chức pháp lý lưu động tại 51 điểm (thôn, bản), tiếp nhận và thực hiện trợ giúp pháp lý được 3.180 vụ việc/3.085 đối tượng có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Qua đó giúp người dân tiếp cận với pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, giảm thiểu các khiếu kiện vượt cấp, giữ vững đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiểu biết của người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPLNN đã có nhiều hình thức truyền thông như: Tổ chức truyền thông ở cơ sở được 28 lượt/28 xã với trên 1.800 lượt người tham dự; cấp phát tờ gấp pháp luật, lắp đạt 91 bảng thông tin, 54 hộp thông tin tại tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, các xã nghèo, UBND các huyện thành phố; cập nhật danh sách trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Người dân tộc thiểu số còn hạn chế trong nhận thức, trên địa bàn tỉnh không có tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, khó khăn trong việc xác định người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý do có nhiều cách hiểu khác nhau trong quy định của văn bản pháp luật.
Tại buổi giám sát, Sở Tư pháp đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, biểu mẫu dùng trong hoạt động trợ giúp pháp lý; đề nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cấp kinh phí, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Kạn ghi nhận kết quả đạt được cùng những nỗ lực của Sở Tư pháp trong thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn. Đoàn giám sát đã đề nghị Sở Tư pháp, trực tiếp là Trung tâm TGPLNN tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Câu lạc bộ và cộng tác viên về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền về các hoạt động trợ giúp pháp lý; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cộng tác viên. Các đề xuất, kiến nghị sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp để chuyển các cấp, các ngành liên quan để cùng xem xét, giải quyết trong thời gian tới./.
Tác giả: Nguyễn Phương
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn