Việc bổ nhiệm cán bộ là người thân, người làm thua lỗ đang gây bức xúc

Thứ năm - 22/09/2016 20:59
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội nêu hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước; gây bức xúc trong dư luận.

Sáng 21/9, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng được trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng sau. UB Tư pháp của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra báo cáo này của Chính phủ.

 

Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ rõ nhiều điểm đáng chú ý trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016.
Chủ nhiệm UB Tư pháp chỉ rõ nhiều điểm đáng chú ý trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016.

Yêu cầu báo cáo rõ địa chỉ tham nhũng

Đề cập đánh giá tình hình tham nhũng, cơ quan thẩm tra nhận định, việc đánh giá đúng về tình hình tham nhũng có ý nghĩa quyết định trong việc đề ra các giải pháp phòng chống.

Báo cáo năm nay, Chính phủ vẫn cơ bản giữ dòng nhận định đã nêu ra những năm qua (2013, 2014, 2015): “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi” .

Điểm đáng lưu ý Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh là, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước. Trong khi đó, đánh giá của Ban chấp hành trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng” .

So sánh 2 hướng đánh giá khác biệt này, Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2015 do Tổ chức minh bạch quốc tế công bố thể hiện, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm (giữ nguyên từ năm 2012 trở lại đây), đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Chủ nhiệm UB Tư pháp còn “phê” báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tình hình tham nhũng theo các tiêu chí cụ thể (về mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng theo quy định.

Nói về những tồn tại, hạn chế, cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các báo cáo vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi ẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân.

Người thẩm tra báo cáo khuyến cáo, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND tối cao, trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.

“Có hiện tượng bổ nhiệm cả cán bộ làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn nhà nước”

Báo cáo thẩm tra cũng nêu nhận định đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền , có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.

Bên cạnh đó, còn phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Nhận định này tương ứng với đánh giá PAPI (chỉ số cải cách hành chính công) 2015 cho thấy, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, đòi hối lộ của người dân lớn hơn rất nhiều so với những năm trước. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ tâm lý thiếu tin tưởng vào hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, vào tính nghiêm minh trong xử lý hành vi tham nhũng; thiếu cơ chế hữu hiệu trong bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng…

Chủ nhiệm UB Tư pháp nhấn mạnh, đây là những vấn đề Chính phủ cần phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới.

Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, một biện pháp được lưu ý là về công tác luân chuyển cán bộ. Cơ quan thẩm tra khái quát, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.

Hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ cũng được nhắc tới trong báo cáo.

UB Tư pháp cũng nêu về những trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân” – Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí, chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

P.Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây