Phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam
Đến dự buổi lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh... cùng các lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và các đại biểu Đại hội Khuyến học toàn quốc lần thứ V.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam tối ngày 21/9
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Hôm nay tôi vui mừng dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam - một tổ chức Hội đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi xin gửi đến toàn thể cán bộ hội viên lời chào mừng thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”.
Thủ tướng khẳng định: “Hiếu học là truyền thống của dân tộc ta, ẩn sâu trong cốt cách của mỗi người dân nước Việt. Dù còn nghèo khó nhưng mỗi gia đình luôn cố gắng chắt chiu để cho con em mình có điều kiện học tập vì một tương lai tốt đẹp.
Đã có biết bao tấm gương hiếu học trong lịch sử dân tộc và Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta chính là một tấm gương sáng ngời về tấm lòng hiếu học và cống hiến cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác giáo dục đã có nhiều tiến bộ. Ngày nay nước ta đã xây dựng được “xã hội học tập”, thực hiện khuyến học, khuyến tài đến mọi người dân.
Trong 20 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã mở rộng các hoạt động của mình tới tất cả các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, cụm dân cư, thôn xóm, các trường học, các cơ quan, các doanh nghiệp... với trên 14 triệu Hội viên. Hội đã lấy xây dựng “xã hội học tập” từ cơ sở là một mục tiêu và nội dung hoạt động. Chủ động, sáng tạo và thu hút đông đảo nhân dân tham gia xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học…
Với vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học, cùng sự chung tay góp sức của ngành giáo dục, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và các địa phương. Đến nay 98% số xã phường, thị trấn đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thiết thực nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao Quỹ Khuyến học hàng năm đã trao học bổng cho hàng triệu học sinh nghèo khó khăn, con em gia đình thương binh liệt sỹ, học sinh vùng sâu vùng xa; khen thưởng hàng vạn học sinh, sinh viên giỏi, hỗ trợ thầy cô giáo dạy giỏi, góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội về học tập; Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” hàng năm đã tôn vinh những người lao động giỏi trong nhiều lĩnh vực, qua sản xuất tự học thành tài, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo nhiều sản phẩm, thiết bị, công trình có giá trị.
Chính phủ và Thủ tướng đánh giá cao các bậc lão thành tuy tuổi cao nhưng luôn tâm huyết tận tụy đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của nước ta trong suốt những năm qua. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng các cấp hội trong cả nước đã có nhiều thành tích khuyến học, khuyến tài, lan tỏa tích cực trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Thủ tướng nêu rõ, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, làn sóng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước. Cùng với đó, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệp cao cả này nếu phát huy tốt nguồn nội lực, trí tuệ và con người Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, cần phối hợp chặt chẽ tạo mọi thuận lợi cho Hội Khuyến học Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Các phong trào phải thực sự huy động sự tham gia của người dân, sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường, sự chung tay, góp công góp sức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của các gia đình, các bậc phụ huynh.
Ghi nhận đóng góp của Hội Khuyến học đối với xã hội nói chung và công tác khuyến học - khuyến tài nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đại diện Hội Khuyến học Việt Nam tại buổi lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội diễn ra tại Hà Nội, tối ngày 21/9.
Huân chương Lao động hạng Nhất được trao tặng là niềm vinh dự và tự hào của Hội Khuyến học Việt Nam. Trong 20 năm xây dựng và phát triển của mình, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn được sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hiếm có một tổ chức xã hội non trẻ nào như Hội có được nhiều các Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của các cấp ủy và chính quyền các cấp.
Sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã giúp cho Hội mau chóng phát triển và trưởng thành, từng bước đi lên chắc chắn, ngày càng đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục, xây dựng xã hội học tập".
Tại buổi lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới công tác của Hội trong những năm qua: “Kiểm điểm 20 năm xây dựng và phát triển, 20 năm đẩy mạnh nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài với những kết quả bước đầu đạt được, Hội Khuyến học Việt Nam chân thành biết ơn Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao".
Chủ tịch Hội Khuyến học cũng điểm lại một số kết quả hoạt động của Hội: "Mấy năm qua để khơi dậy và phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc, Hội đã phát động một cuộc vận động xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học” và “cộng đồng khuyến học”.
Chủ trương này đã được các cấp Hội tích cực thực hiện và đặc biệt được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng nên đã trở thành một phong trào thi đua sôi nổi sâu rộng nhà nhà phấn đấu, các dòng họ, các cộng đồng đều có kế hoạch phấn đấu và phong trào đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Trong thời gian không đến hai nhiệm kỳ đã có 8 triệu gia đình được công nhận là “gia đình hiếu học”, 65.203 dòng họ được công nhận là “dòng họ hiếu học” và 70.356 cộng đồng được công nhận là “cộng đồng khuyến học”. Một kết quả rất quan trọng của cuộc vận động này là qua thi đua ý thức học tập trong nhân dân được nâng cao số người tham gia học tập tăng lên nhanh chóng.
Hơn thế nữa phong trào còn có tác dụng hỗ trợ giáo dục trong nhà trường qua việc các gia đình và dòng họ quan tâm giáo dục con em về tư cách đạo đức, về phát huy giá trị, truyền thống tích cực của dòng họ, của gia đình, khắc phục tình trạng bỏ học, hoặc lưu ban, động viên học sinh cố gắng vươn lên trong học tập. Phong trào còn thúc đẩy sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục”.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
Từ những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Hội Nguyễn Mạnh Cầm nêu lên định hướng của Hội Khuyến học Việt Nam trong tương lai gần: “Trong những năm tới, Hội sẽ mở rộng và đa dạng hoá các hình thức học tập: học ở nhà, học tại nơi làm việc, học trong cơ sở sản xuất, học tại các cơ sở giáo dục không chính quy nhắm tạo điều kiện mở rộng phong trào thi đua người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập. Học tập để dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái như Bác Hồ hằng mong muốn, xã hội Việt Nam trở thành một xã hội thông minh với kho tàng trí tuệ của quốc gia ngày càng phong phú sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Qua phong trào học tập và kinh nghiệm một số nước, Hội dự định sẽ xây dựng mô hình “công dân học tập” sống và làm việc trong “xã hội học tập”. Các Hội viên của Hội phải phấn đấu trở thành những “công dân học tập” và giúp đỡ những người khác cũng học tập không ngừng trong suốt cuộc đời”.
Bài: Mai Châm
Ảnh: Hữu Nghị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn