Đại biểu Quốc hội vừa dời nhiệm sở Lê Như Tiến nhấn mạnh quan điểm không bao giờ "đóng cửa với báo chí" (ảnh: Quochoi.vn).
Toạ đàm được Văn phòng Quốc hội tổ chức hôm nay, 29/9, như một “cuộc tập huấn” nghiệp vụ cho cả các phóng viên nghị trường cũng như các đại biểu Quốc hội khi bước vào nhiệm kỳ khoá XIII với 2/3 số đại biểu mới lần đầu làm nhiệm vụ người đại diện của dân.
Một đại biểu nổi tiếng suốt 2 khoá Quốc hội vừa qua với những phát biểu, tinh thần cởi mở với báo chí – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Lê Như Tiến xác nhận, thực tế vẫn có nhiều đại biểu Quốc hội e ngại trong việc trả lời báo chí.
Theo ông Tiến, qua việc trả lời, cử tri sẽ nhận biết được thực chất khả năng, quan điểm của đại biểu như thế nào. Vậy nên, nếu thể hiện tốt, tiếp xúc báo chí, trả lời phỏng vấn là kênh thông tin hữu hiệu nhất để đại biểu Quốc hội xây dựng hình ảnh của mình trước cử tri và công chúng.
Vị Phó Chủ nhiệm UB nhấn mạnh quan điểm, “Đại biểu Quốc hội không bao giờ nói không với báo chí”, “Cánh cửa phòng ĐBQH luôn mở với báo chí”, “Báo chí cần mình nghĩa là dư luận xã hội, là cử tri cần mình”.
Tán thành quan điểm này, nguyên Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Lê Việt Trường cũng cho rằng, quan hệ giữa báo chí và đại biểu Quốc hội là mối quan hệ tương tác. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được lòng tin giữa báo chí và đại biểu để khắc phục tình trạng e dè, ngại ngùng của các nghị sĩ khi tiếp xúc với báo chí.
“Phải làm sao để các đại biểu Quốc hội hiểu rằng, tiếp xúc với báo chí chính là cơ hội để tiếp xúc với cử tri, tương tác với báo chí là cơ hội để nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, làm cho sức ỳ và sự ngại ngùng trong mỗi người được gạt sang một bên” - ông Lê Việt Trường khuyến cáo.
Ông Trường phân tích, để đảm bảo hiệu quả, hoạt động của đại biểu, của Quốc hội không nên chỉ gói gọn trong bốn bức tường của hội trường Ba Đình mà phải mở rộng ra với quần chúng.
Hoạt động của Quốc hội cũng cần công khai, minh bạch hơn nữa để báo chí và người dân có thể theo dõi, giám sát, và phải làm sao để không còn hàng rào kỹ thuật nào cản trở các phóng viên tác nghiệp tại Quốc hội, vì chỉ khi được tạo điều kiện hoạt động, nắm bắt thông tin sâu sát, người làm báo mới phát hiện, bật ra được nhiều vấn đề.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh chia sẻ kinh nghiệm: “Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cần triệt tiêu ngay tư tưởng, khuynh hướng “im lặng là vàng” khi đứng trước báo chí”.
Từ chối báo chí là né tránh trách nhiệm
Đại biểu Quốc hội khoá XII Bùi Thị An (trái) và nguyên Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường (giữa) cùng chia sẻ những kinh nghiệm làm nghị sĩ của mình.
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng chia sẻ, khi làm đại biểu, ông được dặn “chớ la cà với nhà báo” nhưng trải qua hai nhiệm kỳ nghị sĩ, ông thấy điều này không đúng.
“Có những thông tin lúc chia sẻ với anh em báo chí tôi thấy cũng bình thường, khi lên báo lại được thể hiện rất sinh động, hiệu quả” - ông Phúc nhấn mạnh vai trò của báo chí.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại) nhận định, tiếp xúc và trả lời báo chí vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Muốn một Quốc hội minh bạch, Quốc hội vì dân thì phải coi việc tiếp xúc với báo chí là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
“Tôi đã từng phát biểu rằng, hễ xảy ra vấn đề gì, khi phóng viên báo chí gọi điện hỏi thì lãnh đạo nhiều cấp chính quyền hay từ chối, nói bận họp hay rất nhiều lý do khác. Nhưng tôi cho rằng, bận họp chính là cái cớ để né tránh trách nhiệm” – ông Cương dẫn lại lời phát biểu và cũng bày tỏ quan điểm các đại biểu Quốc hội không nên né tránh mà nên mạnh dạn nói lên quan điểm, ý kiến của mình.
Để nói được quan điểm của mình với nhiều vấn đề của xã hội, theo ông Cương, nếu không có dũng khí thì không dám nói nhưng đáng nói hơn là có những người biết rất rõ vấn đề vẫn không phát biểu.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn