Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu đã về thăm, viếng hương và trồng cây tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam).
Năm l900, cụ Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ.
Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam và của quê hương Quảng Nam, trước cảnh đất nước lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nên dù đỗ đại khoa nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước đang diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.
Năm 1904, Cụ cùng những sĩ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can... khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện những cải cách với tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Với những hoạt động yêu nước nêu trên, nhân phong trào xin xâu chống thuế ở Quảng Nam. Năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo cho đến năm 1921.
Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục các hoạt động yêu nước. Năm 1926, Cụ ứng cử và đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm Viện trưởng. Năm 1928, vì bất đồng với thực dân Pháp, Cụ từ chức Nghị viên để lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời tham gia Chính phủ lâm thời, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Cụ được giao giữ Quyền Chủ tịch nước. Với trọng trách được giao, Cụ vừa tích cực góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.
Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Trung bộ. Ngày 21/4/1947, Cụ lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng như là một tấm gương tiêu biểu của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, vì dân vì nước cho đến hơi thở cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao... Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân của tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc.
Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng nhưng Cụ từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy tân, nuôi chí canh tân đất nước. Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào chống sưu thuế, Cụ bị bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm nhưng Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn.
Ra tù, với tầm nhìn và tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cương trực, trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, Cụ Huỳnh đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai tri nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến.
“Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước chân chính. Với tư cách là người sáng lập và cũng là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Cụ Huỳnh đã dốc hết nhiệt tâm của mình mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Bằng uy tín của một chí sĩ nhiệt thành yêu nước, thương dân, Cụ Huỳnh đã góp phần xây dựng khối đoàn kết tất cả lực lượng và đồng bào yêu nước, dựa chắc vào dân để đối phó với thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng căn dặn: Noi gương Cụ Huỳnh, chúng ta nguyện tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo.
Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Cuộc đời Cụ Huỳnh là một trong những tấm gương tiêu biểu của tinh thần yêu nước, thương dân. Trái tim Cụ đau nỗi đau dân nước, vui nỗi vui dân nước. Đời Cụ thuộc về nhân dân. Noi gương Cụ, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học lớn của công cuộc đổi mới mà Đảng ta đã đúc kết từ chiều sâu lịch sử - bài học “dân làm gốc”, coi chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Công Bính
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn