Thu nhập thấp, không có cơ hội phát triển
6 tháng đầu năm nay, ngành y tế Đắk Nông có 27 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 14 bác sĩ. Trước đó, năm 2021, có 38 công chức, viên chức xin nghỉ việc, trong đó có 17 bác sĩ. Cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nên tình trạng thiếu nhân lực rất trầm trọng, 10.000 người dân mới có 7 bác sĩ.
Ông Phạm Khánh Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) - cho rằng 3 yếu tố tác động đến công việc của nhân viên y tế nói chung là lương, môi trường làm việc và khả năng nâng cao tay nghề.
"Những người nghỉ việc đều nói rằng môi trường làm việc tại các bệnh viện công tốt hơn nhưng mức lương nhà nước thấp, lại không có điều kiện tiếp cận với những máy móc, kỹ thuật tiên tiến nên họ buộc phải tìm một môi trường mới", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng chỉ ra những lý do khác như vất vả, áp lực, cộng với một số bất cập trong các quy định của Bộ Y tế về thời gian thử việc, chuẩn hóa các chứng chỉ hành nghề, vướng mắc về việc bổ nhiệm. Từ đó, nhiều y, bác sĩ muốn từ bỏ công việc mình từng gắn bó.
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra loạt lý do khiến nhiều y, bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển sang làm ở các cơ sở y tế ngoài công lập hoặc ngành nghề khác.
Theo đó, do tác động của nền kinh tế thị trường, một số nhân viên y tế xin thôi việc để chuyển sang kinh doanh, hành nghề tự do, hoặc hành nghề y tế tư nhân để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông đã có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực thực hiện từ năm 2015 đến tháng 6/2022. Tuy nhiên mức hỗ trợ chưa phù hợp.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ về nhà ở, mua đất vẫn chưa thực hiện khiến một số bác sĩ điều kiện khó khăn không thể yên tâm công tác lâu dài.
Chính vì điều đó mà có trường hợp, mặc dù đã nhận tiền thu hút 200 triệu đồng nhưng có bác sĩ vẫn xin nghỉ việc và bồi thường khoản hỗ trợ đã nhận.
Cầm cự hoạt động
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, vài tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil (Đắk Nông) ngày càng đông. Thế nhưng tình trạng thiếu nhân lực khiến cho công tác khám, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Phòng khám Nội, chỉ có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Những giờ cao điểm, đông bệnh nhân đến khám, để đảm bảo có kết quả sớm, Trung tâm phải tăng cường nhân lực từ các khoa, phòng đến hỗ trợ.
Tương tự, tại Khoa Cấp cứu có 17 giường bệnh, theo quy định thì cần có 4-5 bác sĩ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 bác sĩ thay phiên nhau trực 24/24 tại khoa vì có 1 bác sĩ đang phải đi học.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Trung- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắk Mil - chia sẻ trong 8 tháng đầu năm nay, Trung tâm có 5 cán bộ, nhân viên xin thôi việc, chuyển công tác, trong đó có 3 bác sĩ.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai một số danh mục, kỹ thuật mới, tuy nhiên, với tình trạng thiếu nhân lực như hiện nay, sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Để khắc phục tạm thời tình trạng thiếu nhân lực y tế, Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil phải điều tiết, phân phối giữa các khoa, phòng. Đơn vị thiếu rất nhiều đội ngũ nhân lực chuyên sâu để phục vụ cho đề án phát triển, nhưng lại rất khó để giữ chân nhân viên y tế trong bối cảnh hiện tại", bác sĩ Nguyễn Đăng Trung thông tin thêm.
Giống Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song cũng đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Từ năm 2021 đến nay, có 16 viên chức xin thôi việc, chuyển công tác, trong đó có 10 bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Đắk Song - lo lắng: "Nhân viên y tế liên tục nghỉ việc, bỏ việc thế nhưng việc xét tuyển, tuyển dụng thêm lại không thể thực hiện được suốt 18 tháng nay. Việc thiếu nhân lực số lượng lớn như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám chữa bệnh của đơn vị".
Từ thực tế trên, để bổ sung nguồn nhân lực hiện đang còn thiếu và để hoạt động khám, chữa bệnh thông suốt, hiệu quả, việc tuyển dụng viên chức y tế cần được thực hiện kịp thời. Cùng với đó, cần có chính sách phụ cấp ưu đãi của Chính phủ và chế độ thu hút, đãi ngộ riêng của tỉnh.
Nhiều bác sĩ xin nghỉ việc đã dẫn đến thiếu nhân lực làm việc, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Trước tình trạng chảy máu chất xám ở các tuyến y tế công lập, việc giữ chân nhân viên y tế là cần thiết hơn bao giờ hết.
Từ thực trạng trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đề xuất điều chỉnh chính sách đãi ngộ theo hướng tăng mức hỗ trợ cho các bác sĩ.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng kiến nghị cần tạo điều kiện, phối hợp giải quyết bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ đối với một số trường hợp bác sĩ có vợ hoặc chồng không cùng nghề để cùng được công tác tại tỉnh.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn