Có người chơi phong lan vì yêu thích loài hoa này, có người từ đam mê phong lan trở thành nghề "hái ra tiền". Nhưng ở góc độ nào thì thú chơi lan tao nhã này cũng mang đến cho tâm hồn con người những phút giây thư giãn trong bộn bề lo toan của cuộc sống.
Đến thăm vườn lan của anh Nguyễn Duy Tuấn ở phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), dưới cái nắng gắt chớm thu.
Ân cần tư vấn, giới thiệu cho khách hàng lựa chọn những giò lan ưng ý nhất, anh Tuấn cho biết: "Tôi bắt đầu trồng phong lan cách đây khoảng 10 năm do ảnh hưởng bởi thú chơi lan của bố tôi. Lúc đầu tôi chỉ trồng vì đam mê, sau đó có nhiều người tìm đến nhà hỏi mua các giò lan với giá cao nên tôi quyết định chuyển hướng sang trồng lan để phát triển kinh tế".
Để có thêm kinh nghiệm trồng lan, anh Tuấn đã đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm và tìm mua thêm nhiều giống lan về trồng, đặc biệt là giống lan quý hiếm, đôi khi, phải bỏ ra cả tuần để tìm được những giò lan ưng ý.
Mỗi tháng, anh Tuấn cùng nhóm bạn thường tổ chức một, hai chuyến đi xuyên tỉnh để sưu tầm lan. Khi phát hiện có giống lan quý, nhiều khi vài anh em phải chung lại để đưa một cây lan con mọc trên thân già giá vài trăm triệu đồng về cùng chăm sóc, nhân giống.
Sau những lầm tìm tòi, học hỏi, từ những giò phong lan thông thường, anh Tuấn ươm giống, bán với giá vài trăm nghìn đồng. Hiện nay, anh Tuấn chủ yếu đầu tư vào trồng, ươm giống các loại lan quý hiếm, đột biến.
Hiện nhà vườn trồng lan của gia đình anh Tuấn đang có gần 1.000 giò, chậu lan với các loại khác nhau; trong đó có 15 loại lan đột biến: Phong lan 5 cánh trắng Tuyên Quang, 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, 5 cánh trắng vọng sưa, sen hồng Hàm Yên, hồng mỹ nhân, hồng Yên Thủy… Mỗi năm, từ tiền bán giống và các giò, chậu hoa lan, gia đình anh Tuấn thu về gần 1 tỷ đồng.
Chơi phong lan xưa kia là thú chơi tao nhã chỉ dành cho những người vương giả, quyền quý nhưng bây giờ, nhiều người bình dân cũng chơi lan, bởi họ không thể cưỡng lại hương thơm quyến rũ, vẻ đẹp độc đáo của loài cây này.
Mặc dù thú chơi phong lan đã có từ rất lâu, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, chơi phong lan mới thực sự trở thành trào lưu của mọi gia đình, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi.
Chơi phong lan không khó, quan trọng nhất phải có đam mê, có không gian để treo vài giò lan và vài trăm nghìn đồng là có thể bắt đầu cuộc chơi. Nhưng chơi phong lan cũng rất khó và tốn kém, bởi thú chơi này rất dễ "gây nghiện", càng chơi càng bị cuốn theo và muốn sưu tầm cho mình những loài lan đẹp, độc, lạ…
Cũng là một trong những người làm giàu từ nghề trồng phong lan ở thị trấn Yên Định (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được vài năm, nhưng anh Nguyễn Trí Dũng nói vanh vách về kinh nghiệm chăm sóc phong lan.
Theo anh Dũng, phong lan có nhiều chủng loại, mỗi người lại có sở thích khác nhau. Nếu như giai đoạn trước, người ta thích lan hài, lan sóc, đuôi chồn thì vài năm trở lại đây, dòng lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng, lan kiếm, Hoàng Nhạn…được nhiều người ưa chuộng.
Người trồng phong lan phải hiểu rõ đặc tính của từng loại phong lan theo các kiểu khí hậu của từng vùng miền thì mới chơi được lâu bền. Phong lan là giống cây ưa ẩm nhưng không được quá ướt, khi trời mưa rất dễ gặp phải ruồi vàng đục thân khiến nước ngấm vào thân, gây thối nhũn, nếu trời đang mưa mà nắng hửng lên, nước mưa đọng lại gặp nắng chiếu vào giống như lăng kính hội tụ sẽ đốt cháy thân.
Ngoài ra, phong lan còn dễ bị một số loài ốc sên, bệnh nấm, sâu phá hoại…Vì thế, hầu như ngày nào, người trồng lan cũng phải có mặt ở vườn vừa thưởng thức vẻ đẹp của hoa lan, vừa chăm sóc, phát hiện sớm các loại bệnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng phong lan, anh Dũng cho biết: Trồng phong lan, đặc biệt là trồng các loại lan quý hiếm, lan đột biến, số vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên mỗi người phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định "khởi nghiệp" từ trồng lan.
Ngoài ra, trước khi trồng lan người trồng nên nghiên cứu đặc tính của từng loại lan, cách chăm sóc, thiết kế hệ thống nước tưới, mái che, thanh treo, chậu ươm cho tới giá thể...
Muốn lan phát triển tốt người trồng lan nên làm mái che, tưới cho lan bằng nguồn nước sạch và tưới vào ban ngày, không tưới vào ban đêm tránh mầm lan bị thối do không thoát được nước; khu trồng lan phải được thiết kế để tạo ra một không gian đón nắng, đón gió và thoáng mát.
Đặc biệt, người trồng nên quan tâm, tìm hiểu kỹ việc chọn giá thể trồng lan, nhất là đối với các loại lan quý hiếm thì nên chọn các giá thể có chất lượng tốt như: rêu Chile, vỏ thông Chile, phân trùn quế...; giá thể vừa phải tạo được sự thông thoáng vừa phải tạo được độ ẩm cho lan phát triển... Hiện nay, người trồng lan, chơi lan cũng được chia thành 2 trường phái đẳng cấp và bình dân.
Người bình dân thường trồng một số loài lan phổ biến, giá trị không cao. Còn những người đẳng cấp sở hữu những cây lan trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Khi các loại lan đại trà được bán tính theo cân, lan có mặt bông đẹp hơn được tính theo nhánh cây con, thì dòng lan đột biến đẹp và "độc" được tính theo xen-ti-mét.
Một xen-ti-mét lan đột biến có giá vài trăm nghìn đồng thì một nhánh lan sẽ có giá vài triệu đồng và một giò lan đó có thể lên tới vài trăm triệu đồng. Vì vậy, dân chơi lan thường lùng mua những nhánh cây con của giống lan đột biến, sau đó đem về trồng, nhân rộng với mục đích sưu tầm, trao đổi, mua bán…
Hiện không ít người trên địa bàn tỉnh đang sở hữu những vườn lan giá trị hàng tỷ đồng và có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thú chơi phong lan.
Từ thú chơi của "bậc đế vương", giờ đây chơi phong lan đã trở nên bình dân hơn, được nhiều tầng lớp trong xã hội yêu thích, đam mê. Không chỉ vậy, trồng, lai tạo, kinh doanh phong lan cũng đang là hướng phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn