Về quê để có điều kiện chăm sóc bố mẹ
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán - Trường ĐH Quy Nhơn, anh Vương rời quê nhà ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định vào TPHCM và làm nhân viên cho một công ty tư nhân.
Sau 1 năm làm việc ở thành phố, dù công việc đúng chuyên ngành, thu nhập tương đối ổn định, nhưng không có dư để tích lũy, quan trọng hơn là nghĩ đến ba mẹ ở nhà, anh Vương quyết định bỏ phố về quê nuôi cá.
"Tôi là con út, các anh chị đã lập gia đình và sống xa quê nên tôi luôn nghĩ đến ba mẹ những lúc trái gió, trở trời không ai chăm sóc nên quyết định về quê lập nghiệp", anh Vương bộc bạch.
Chia sẻ về quyết định về quê nuôi cá cảnh, anh Vương nói: "Từ nhỏ tôi đã thích nuôi cá cảnh. Đến khi vào TPHCM làm việc, có thời gian nghỉ là tôi đi tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình nuôi cá cảnh. Tôi choáng ngợp với nhiều loài cá cảnh tuyệt đẹp và đam mê càng trỗi dậy. Lúc đó, tôi nghĩ người ta làm được thì mình làm được nên đã quyết định về quê, bàn bạc với cha mẹ để đầu tư nuôi cá cảnh".
Tháng 9/2017, khi từ TPHCM về Bình Định, anh Vương không quên mang theo những cặp cá giống đầu tiên về quê để nuôi trong thùng xốp.
"Người thân, bạn bè tôi hay tin tôi nghỉ việc về quê làm kinh tế bằng nghề nuôi cá cảnh ai cũng bất ngờ, có người cho rằng đó là ý tưởng không khả thi. Chỉ bố mẹ tôi ủng hộ vì tôi đã về quê sống cùng nên ông bà rất vui", anh Vương chia sẻ.
Phá 400 trụ tiêu kém hiệu quả để lấy đất xây ao nuôi cá
Khi anh Vương trình bày ý tưởng về việc nuôi cá cảnh, ông Trần Hòa (65 tuổi, cha ruột anh Vương) ủng hộ bằng việc phá bỏ hơn 400 trụ tiêu sau vườn kém hiệu quả, nhường đất cho con làm trang trại.
Ban đầu, anh Vương nuôi cá tạm trong những thùng xốp, sau đó mới đầu tư đào ao, lót bạt nuôi cá cảnh. Tuy nhiên, 2 lứa cá cảnh đầu tiên do lạ nước, khí hậu, dịch bệnh và anh Vương chưa có nhiều kinh nghiệm nên chết nhiều, khiến anh thua lỗ mấy chục triệu đồng.
"Lúc đó tôi chán nản, dù số tiền chưa phải quá lớn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu bỏ cuộc thì phụ lòng ba mẹ, mất niềm tin với bạn bè. Ngã ở đâu phải đứng lên ở đó, tôi quyết định mạo hiểm lần nữa", anh Vương nói.
Lần này, anh Vương đầu tư hơn 100 triệu đồng thuê công san lấp tất cả các hồ nuôi cũ trước đó. Sau đó, mua hơn 15.000 viên gạch xây hồ, mỗi hồ khoảng 2m2, xây liền kề với nhau rồi lót bạt để thả nuôi. Cách làm này tiết kiệm chi phí, tiện lợi khi di dời hay chia tách đàn.
Thành công sau những lần thất bại và rút kinh nghiệm, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi tháng anh bán cá cảnh thu lãi hơn 10 triệu đồng. Hiện anh Vương cung cấp nguồn cá cảnh không chỉ bán cho khách trong tỉnh mà ở cả các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi.
"Để cá sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài chất lượng giống cá thì nguồn nước phải đảm bảo sạch, quản lý nhiệt độ bể nuôi phù hợp. Chế độ ăn cũng không kém phần quan trọng, cần đa dạng, bổ sung thức ăn tươi sống như trùn quế", anh Vương chia sẻ.
Hiện trang trại nuôi cá cảnh của anh Vương đã phát triển gần 200 hồ, với số lượng ước trên 15.000 con, gồm 8 dòng cá có nguồn gốc trong và ngoài nước đã thuần hóa như cá song kiếm, cá cánh buồm, cá cánh tiên, cá betta, cá hạt lựu, cá 7 màu, cá lia thia, cá xiêm.
Thời gian tới, anh Vương dự kiến sẽ nhập thêm những dòng cá cảnh mới nhất như cá Dumbo, loại có màu đỏ rực từ phần vây tới đuôi; cá rồng xanh, đỏ, tím.
Anh Vương chia sẻ, công việc nuôi cá cảnh tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với những người lớn tuổi. Hiện ngoài nghề nuôi cá, anh còn đầu tư trồng thêm cây cảnh, chủ yếu là cây mai vàng Bình Định, hoa giấy để gia đình có thêm thu nhập, ba mẹ anh đỡ phải làm công việc đồng áng cực nhọc khi tuổi cao sức yếu.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn