Chưa hết bàng hoàng, anh Thanh (tên nạn nhân đã được thay đổi, SN 2002, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) kể lại với cán bộ công an về những ngày tháng khổ cực trên đất khách quê người.
Anh Thanh là một trong 40 công dân Việt Nam vượt sông Bình Di từ Campuchia về Việt Nam ngày 18/8 vừa qua.
Nghe theo lời quảng cáo việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội , sáng 15/3, anh Thanh được một đối tượng không rõ lai lịch sử dụng facebook, zalo hướng dẫn lên xe khách vào bến xe Miền Đông.
Tại đây, anh cùng vài người nữa được chuyển xe khác đến Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Đến một nhà dân, đợi trời tối, những người này được 2 vợ chồng người địa phương sử dụng ghe đưa sang Campuchia.
Qua đó, anh Thanh được đưa vào một tòa nhà cao tầng do người Trung Quốc làm chủ để hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn cách dụ con mồi chơi game, đánh bài ăn tiền, hướng dẫn mua hàng qua các trang mạng xã hội được hoa hồng chiết khấu cao.
Ngoài ra, nhiều nạn nhân được hướng dẫn sử dụng app hẹn hò để đóng giả nữ, gài đàn ông vào bẫy để mua hàng với giá thấp, hưởng chiết khấu cao, sau đó chiếm đoạt tiền khách hàng. Có khách hàng mua hàng cả vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Theo lời kể của anh Thanh, ông chủ giao chỉ tiêu doanh thu mỗi người 300 triệu đồng/tháng, hoặc phải tìm kiếm 12 khách hàng mới nộp tiền vào tài khoản do công ty cung cấp, mỗi ngày làm việc trung bình 14 tiếng.
Nếu không hoàn thành sẽ bị bỏ đói, đánh đập, chích điện và chuyển bán công ty khác với giá từ 2.700-3.600 USD, hoặc nhắn tin về gia đình đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng.
Nhiều người làm chung do không đạt chỉ tiêu và bị đánh đập, chích điện nên đã bỏ trốn. Trốn không thoát, họ bị bảo vệ đánh đập không thương tiếc, hoặc bán cho công ty khác.
Theo anh Thanh, tại công ty nơi anh làm việc có gần 50 người, mọi người bàn nhau thoát ra ngoài. Lợi dụng bảo vệ chủ quan, sáng ngày 18/8, nhóm gồm 42 người chạy thoát ra ngoài, chạy về phía bờ sông, bơi qua sông hướng về phía Việt Nam. Một người bị bắt lại và một em nhỏ 16 tuổi bị đuối nước.
Khi qua Việt Nam, anh Thanh và những người cùng đi được các cơ quan chức năng tỉnh An Giang làm việc và hỗ trợ tiền tàu xe về nhà. Anh rất vui và may mắn được trở về quê hương.
Theo anh Thanh, hiện còn hàng trăm người đang làm việc tại các công ty ở Campuchia đang chờ cơ quan chức năng giải cứu.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tránh bị lôi kéo sang Campuchia làm việc rồi bị chiếm đoạt tài sản.
Công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, không nghe theo lời kẻ xấu trên mạng xã hội tìm việc nhẹ lương cao, luôn cảnh giác với những lời mời gọi, lừa đảo trên mạng xã hội.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn