Vì sao có chủ trương làm nhiều bộ sách giáo khoa?

Thứ ba - 12/03/2019 09:27
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình là đại diện ban soạn thảo dự luật Giáo dục (sửa đổi) cùng khẳng định không “đi ngược” khi xây dựng quy định về việc làm nhiều bộ sách giáo khoa… >> >>
Vì sao có chủ trương làm nhiều bộ sách giáo khoa?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia giải trình về dự thảo luật 

Tại phiên thảo luận về dự thảo luật tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình giải thích, khi đưa ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chủ trương chung là chuyển từ cách thức truyền dạy kiến thức sang đánh giá và khơi dậy phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, sách giáo khoa không phải là quy chuẩn duy nhất trong quản lý việc dạy-học mà chương trình mới là quan trọng, là pháp lệnh để áp dụng chung.

Quan điểm đó dẫn tới định hướng xây dựng chương trình giáo khoa mang tính chất pháp lệnh, thống nhất trong cả nước. Chương trình, theo đó, sẽ khá chi tiết, như học kiến thức đến kiến thức nào, thậm chí như môn văn học, cụ thể tới việc chọn học tác giả nào, tác phẩm nào…

Ông Bình nhấn mạnh, điều đó có nghĩa là chương trình quyết định sách giáo khoa chứ không phải sách giáo khoa quyết định chương trình như lâu nay vẫn làm.

“Chương trình như vậy xây dựng rất phức tạp cho nên Bộ Giáo dục đã trễ 2 năm mà đến nay cũng mới làm xong được chương trình chung, giờ đang xây dựng chương trình của từng môn học. Từ chương trình đó mới viết sách giáo khoa theo hướng để phát huy phẩm chất, năng lực của người học. Tổ chức như này có thể có nhiều sách giáo khoa và dù sách nào thì cũng phải được hội đồng khoa học quốc gia công nhận thì mới được coi là sách giáo khoa. Bộ trưởng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về chương tình giáo dục phổ thông và chất lượng sách giáo khoa chứ không phải chọn sao cũng được” – ông Phan Thanh Bình giải thích.

Về chủ trương thể hiện trong Nghị quyết 88, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng cũng giải thích, để cụ thể hoá Nghị quyết 29 của Trung ương, Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình và huy động các nguồn lực để soạn thảo sách giáo khoa. Nhưng khi đó vẫn có lo ngại là đưa ra thị trường sẽ không ai “mặn mà” làm sách nên mới thống nhất để Bộ GD-ĐT  làm một bộ sách “chuẩn”. Tuy nhiên, thực tế, khi đưa ra thông tin thì không chỉ một mà rất nhiều đơn vị bày tỏ việc muốn làm sách giáo khoa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại bối cảnh của việc hình thành chủ trương làm nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, Phó Thủ tướng cho biết, khi Trung ương bàn Nghị quyết 29, có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề sao mỗi địa phương, vùng miền, đối tượng người học khác nhau mà đều phải học chung một nội dung duy nhất. Trong khi xu hướng của thế giới cũng là làm nhiều bộ sách. Định hướng để các địa phương có thể đưa vào sách những nội dung đặc thù, phù hợp với địa bàn được hình thành như thế, với tỷ lệ được xác đinh là 20%.

Còn khi làm Nghị quyết 88, ban đầu, Bộ GD-ĐT vẫn muốn làm một bộ sách của Bộ vì lo ngại việc phát triển nhiều bộ sách cần có lộ trình, có thời điểm thích hợp dần. Nhưng khi đó cũng lại có ý kiến đề cập tới xu thế hiện đại, có lo ngại duy trì việc làm một bộ sách là “nuôi” độc quyền.

Vì sao có chủ trương làm nhiều bộ sách giáo khoa? - Ảnh minh hoạ 2

Bộ trưởng GG-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh thêm, lần đổi mới giáo dục này rất căn bản so với những lần trước. Trước nay, cả người dạy, người học đều quan niệm sách giáo khoa là cố định, phải bám chặt sách. Nhưng chuyển sang phương thức khơi dậy, phát triển phẩm chất, năng lực của người học thì những yếu tố cứng như vậy cần thay đổi.

Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng khung chương trình với 80% nội dung thống nhất trong toàn quốc,  mang tính pháp lệnh, còn 20% không gian để dành cho các địa phương, giáo viên phát triển trong quá trình dạy học. Như vậy, người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt sách giáo khoa mà được khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học.

Về việc đảm bảo chất lượng sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trấn an, biên soạn sách mà cả một công nghệ chi tiết, có quy trình chặt chẽ, nhiều công phu. Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ sẽ đảm bảo quy trình biên soạn sách giáo khoa như quy định tại Thông tư 33, khi ra được bản bông, các bộ sách đều phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét để đáp ứng yêu cầu bình đẳng giữa các đơn vị soạn thảo với nhau.

“Điều đó có nghĩa là kể cả bộ sách do Bộ GD-ĐT chỉ đạo ban hành hay sách của cá nhân, đơn vị khác viết đều phải do Bộ trưởng Giáo dục ký quyết định phê duyệt ban hành mới được in, phát hành” – Bộ trưởng Nhạ quả quyết.
Cũng theo vị tư lệnh ngành giáo dục, tới nay Bộ GD-ĐT vẫn đang triển khai thực hiện Nghị quyết 88, tập trung biên soạn một bộ sách để sang năm 2020, khối lớp 1 có bộ sách mới để dùng. Người biên soạn sách không chỉ là người của Bộ mà được chọn qua đấu thầu để các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị bên ngoài cùng tham gia chứ không phải là bộ sách độc quyền của Bộ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, việc giải trình của các cơ quan đã rõ, chương trình giáo dục phổ thông sẽ là thống nhất, sách giáo khoa có thể linh hoạt. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc bà đã nhắc về vấn đề tránh lãng phí trong in ấn sách.

“Từ năm 2011 đến nay, giá bán sách giáo khoa vẫn đứng im dù cho các yếu tố đầu vào tăng liên tục như giấy in tăng 20%, điện tăng 40%... Vậy nếu không xem xét tăng giá sách thì đơn vị làm sách giáo khoa của nhà nước sẽ lỗ đến thế nào?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo bà, mức tăng giá sách, theo báo cáo, nếu tăng 1.000 đồng/cuốn sách thì tác động đến chỉ số CPI chỉ 0,07%. Vậy thì không được kìm giữ giá sách giáo khoa phi thị trường như vậy nữa. Nếu không, với những khoản lỗ như thế, Chính phủ xử lý như thế nào?

Giải thích thêm vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT thống nhất với chủ trương xin điều chỉnh giá bán sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục nhưng yêu cầu phải công khai, minh bạch theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, không độc quyền và tổ chức truyền thông tốt.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây