Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được vận hành, do Tập đoàn viễn thông VNPT đầu tư, nhà nước thuê lại. Qua 2 tháng vận hành, gần 8.400 văn bản được gửi và hơn 19.000 văn bản nhận được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, Chính phủ với địa phương… cho thấy lợi ích không nhỏ.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính sơ bộ, khi Trục liên thông văn bản quốc gia được vận hành, cả nước tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng/năm sau khi đã khấu trừ chi phí thuê dịch vụ từ nhà mạng VNPT, trong đó giảm tiền mực, giấy in hơn 100 tỷ; tiền chi phí phát, gửi văn bản qua bưu điện hơn 500 tỷ; tiền chi phí thời gian 570 tỷ.
Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng việc gửi/nhận văn bản điện tử, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh này giảm được chi phí hơn 100 tỷ đồng mỗi năm tiền in ấn, gửi văn bản, giấy tờ, tài liệu theo phương thức truyền thống.
Nhưng “cái được” lớn hơn, theo Phó Chủ tịch Quảng Ninh là hệ thống gửi nhận văn bản giúp tiết kiệm thời gian, chấm dứt tình trạng các cán bộ, cơ quan không nhận được văn bản, thất lạc văn bản, văn bản đến muộn… “Không còn lý do nào cho cán bộ nói là lỡ không nhận được, lỡ thất lạc… nên không kịp xử lý công việc nữa” – ông Hậu nói.
Để áp dụng thành công phương thức quản lý, liên thông văn bản này, theo ông Hậu, Quảng Ninh đã chuẩn bị rất kỹ, từ 2013. Cho đến năm 2017, tỉnh đã triển khai việc liên thông đến tới cấp xã. Vậy nên, nhìn vào kế hoạch dự kiến của Chính phủ, đến 2020 triển khai trục liên thông quốc gia xuống đến cấp huyện, ông Hậu cho là… hơi muộn. Số lượng các “cổng” liên thông ở các bộ, ngành hiện cũng mới được 5 bộ, chưa đủ nhiều.
Phó Chủ tịch Quảng Ninh đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn với việc triển khai trục liên thông văn bản vì đây là lĩnh vực khó, cần kiên trì, đồng bộ trong chỉ đạo.
Thực hiện việc nhận, phê duyệt văn bản qua Trục liên thông văn bản quốc gia ngay trên iPad tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử là việc cấp thiết trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ người dân.
Thực tế hiện nay, tình trạng sử dụng văn bản, giấy tờ trong cơ quan hành chính nhà nước còn nhiều. Cán bộ công chức nhìn chung chưa chủ động khai thác văn bản điện tử để tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả công việc. Hệ thống chưa kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về cán bộ văn thư, quản lý liên thông… Vì thế, Việt Nam vẫn là quốc gia “đi chậm” trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có việc vận hành hệ thống liên thông văn bản điện tử quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan học tập các nước đi trước, lựa chọn công nghệ để tiến kịp với các nước phát triển hiện nay. Lãnh đạo Chính phủ muốn Chính phủ phải tăng tốc độ trong việc xây dựng nền hành chính thông suốt, tăng cường kết nối, làm nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân… khi vận hành trục liên thông văn bản quốc gia.
Sau cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ, kỹ thuật chỉ là công cụ. Vấn đề cơ bản, quyết định nhất vẫn là con người. Phải nâng cao được chất lượng soạn thảo văn bản, sao cho chính xác, kịp thời, nhanh gọn. Vì nếu chất lượng văn bản soạn thảo kém, “ẩn nấp” lợi ích nhóm, quan liêu bao cấp thì hệ thống trục liên thông lại phát huy tác dụng ngược.
Hoàn thành kết nối với 95 cơ quan Trung ương, địa phương
Đến nay, nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia cùng với các điều kiện đi kèm như thể chế, hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực vận hành đã bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi.
95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước (trong vòng 1 tháng đầu năm nay có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử).
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn