Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận về dự án luật Thư viện tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 13/3.
Cụ thể, ghi nhận sự cần thiết của việc luật hoá các quy định về thư viện. Ông phản ánh một cách xót xa: “Vừa qua công tác quản lý hoạt động thư viện chưa được chú trọng. Nhiều thư viện bán sách cũ theo cân, trong đó có nhiều sách quý mà người mua thanh lọc ra, bán lại rất đắt, có quyển hàng triệu đồng. Một lượng tài sản lớn của Nhà nước bị thất thoát lãng phí một cách nghiêm trọng. Quy định trước đây về thư viện, kể cả khi chưa có Pháp lệnh Thư viện, cũng rất chặt chẽ, mọi cuốn sách của thư viện đều được đóng dấu ở trang 17. Thế mà bây giờ lại hết sức lộn xộn”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá đọc trong nền văn hoá của mỗi quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội kể, ông đã đến nhiều nước phát triển và không được “khoe” GDP bình quân đầu người mà được bạn giới thiệu về thư viện một cách tự hào. Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển thì xây dựng và vận hành thư viện rất khác với cách làm cũ. Vị lãnh đạo Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra luật phối hợp rà soát lại điều kiện để thành lập thư viện, có sự phân biệt công lập với tư nhân, đặc biệt cần cân nhắc kỹ quy định về các hành vi bị cấm, bởi nếu không cụ thể hoá sẽ lại trở thành bó buộc...
Theo tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh Thư viện hiện hành chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chưa điều chỉnh thư viện tư nhân, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu thành lập thư viện để phục vụ nhu cầu của người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có cả nhu cầu phục vụ người Việt Nam, nhưng chưa có căn cứ pháp lý để quản lý nên chưa khai thác được nguồn lực nước ngoài để phát triển sự nghiệp thư viện.
Dự thảo luật Thư viện kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 19 điều, quy định mới 32 điều so với Pháp lệnh và các quy định hiện hành. Đáng lưu ý, luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng. Theo đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức mà còn được phép tham gia thành lập thư viện và tổ chức hoạt động thư viện; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn