Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 20/11, sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi giải thích việc Quốc hội không xem xét việc giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ mức 48 giờ/tuần (tương đương 6 ngày làm việc/ngày, mỗi ngày 8 giờ) hiện nay xuống mức 44 giờ để người lao động được nghỉ thêm nửa ngày thứ 7 như rất nhiều ý kiến đề xuất được bàn luận sôi nổi trước đó.
Cụ thể, về nội dung này, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật của UB Thường vụ Quốc hội đề cập, yêu cầu giảm giờ làm xác đáng nhưng Chính phủ vẫn đề nghị giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như hiện tại.
- Lý do các cơ quan chưa trình Quốc hội xem xét nội dung này dù đã thống nhất nhận định việc giảm giờ làm, đi liền với quá trình tăng lương là xác đáng, là xu thế tất yếu, thưa ông?
- Vì nội dung này Chính phủ không trình trong lần sửa Bộ luật Lao động này. Tờ trình, hồ sơ dự án luật của Chính phủ, theo đó, không đánh giá tác động về vấn đề này. Đây cũng mới là ý kiến thiểu số như đại diện công đoàn, một số đại biểu Quốc hội nêu mong muốn.
Thường vụ Quốc hội thấy, mong muốn giảm giờ làm, nâng lương, tăng thu nhập là xu thế của các nước nhưng Chính phủ giải trình, kinh tế đất nước dù đang tăng trưởng tốt nhưng năng suất lao động còn thấp, mức tăng trưởng chưa ổn định, nếu chưa đánh giá, xem xét kỹ lưỡng thì việc giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ chưa lường hết được hệ quả.
Giảm 4 giờ làm việc mỗi tuần thì cả năm sẽ là 208 giờ, làm tổng chi phí lao động tăng 18%, kim ngạch xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm, tăng trưởng kinh tế giảm khoảng 0,5%. Thời điểm này Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng cao mà việc giảm 0,5% GDP như thế cần phải có biện pháp xử lý, bù đắp.
- Vậy nhận định của UB Thường vụ Quốc hội về việc giảm giờ làm là xác đáng có ý nghĩa gì ở thời điểm hiện tại?
- UB Thường vụ đồng ý với chủ trương tiến tới giảm giờ làm nhưng giao cho Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội xem xét, có giải pháp để thực hiện việc giảm như vậy. Còn giảm vào thời điểm nào, thì Chính phủ hoàn toàn được quyết định.
- Có chế tài cụ thể với nhiệm vụ UB Thường Quốc hội giao Chính phủ không, thưa ông?
- UB Thường vụ Quốc hội sẽ cho ghi vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8 là căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, Chính phủ xem xét giảm thời gian làm việc bình thường trong tuần của người lao động, có thể xuống mức 44 giờ, có thể xuống 40 giờ/tuần. Thời điểm và cách thức thực hiện việc này thì hoàn toàn do Chính phủ quyết định.
Động thái này là tạo sự cơ động, linh hoạt cho Chính phủ trong công tác điều hành. Quan trọng là Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng của đất nước, giữ được nền kinh tế tiếp tục phát triển.
- Đây có thể xem là một bước “nhún” để bảo vệ giới chủ sử dụng lao động?
- Thực tế người lao động cũng có nhu cầu làm việc và rất cần được làm việc. Lúc này, khi khung thời gian thoả thuận làm thêm không được nâng lên (vẫn giữ mức tối đa 300 giờ/năm thay cho phương án tăng lên 400 giờ/năm mà Chính phủ trình) thì việc giữ nguyên thời gian làm việc bình thường là cơ hội để người lao động tăng thu nhập.
Việc này là cân đối lợi ích của các bên, cả phía sử dụng lao động và người lao động chứ không phải đứng về phía nào. Luật cần phải quy định cho đại đa số và phục vụ lợi ích chung. Xung quanh vấn đề giảm giờ có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tổng thể, phải lựa chọn phương án tối ưu nhất trong các phương án tối ưu.
Vấn đề thiết thực lúc này là phải cố gắng để cải thiện điều kiện lao động, đổi mới công nghệ, tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp, nhân sự trong doanh nghiệp để giảm giờ làm, tăng thêm ngày nghỉ trong tuần và thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện chỉ số thâm dụng lao động hiện nay. Đây là con đường quyết định về nguồn nhân lực của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn