Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một nội dung gây tranh luận trong dự thảo luật là vấn đề “đổi vai” giữa các cơ quan của Quốc hội và chính phủ trong công tác giải trình, tiếp thu các dự thảo luật.
Cụ thể, nội dung này, Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án 1: cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Phương án 2: cơ bản giữ như luật hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Tổng hợp thảo luận tổ cho thấy, có 18 ý kiến tán thành với phương án 1, 19 ý kiến tán thành với phương án 2.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên thường trực UB Quốc phòng – an ninh, nguyên Phó chánh án Tòa án quân sự Trung ương phân tích, nếu chọn phương án đổi vai là “Quốc hội mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật”.
“Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua, tôi khẳng định 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu (ý kiến góp ý luật của đại biểu Quốc hội). Khi đấy, đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có bán hay không là quyền của họ”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Một điều đáng buồn nữa, theo ông Bộ, là “có vị lãnh đạo bộ gây sức ép cho đại biểu Quốc hội khi đại biểu phát biểu trái với quan điểm của bộ mình”. Do đó, nếu bây giờ Quốc hội chọn phương án “đổi vai” thì Quốc hội mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật.
Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, thực tế luật có nhiều bất cập, yếu kém hiện nay có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là yếu tố con người, năng lực của cán bộ, cả cấp vụ lẫn đại biểu Quốc hội.
Thứ hai là một số UB của Quốc hội không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng dù năm nào vấn đề này cũng được lãnh đạo Quốc hội nhắc đi nhắc lại.
“Đại biểu phát hiện nhiều luật chất lượng không bảo đảm nhưng khi chúng tôi đề nghị trả lại thì gần như không được ủng hộ. Bất cập là ở chỗ đó chứ không phải do cơ quan giải trình, tiếp thu” – ông Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Ủy viên thường trực UB Pháp luật, cũng có quan điểm tương tự. Theo bà Hoa, phương án đổi vai không phải mới, vì trước đây Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội không chấp nhận.
Đại biểu Hoa cho rằng, nếu để cơ quan trình luật chủ trì luôn việc tiếp thu thì sẽ khó đảm bảo hài hòa giữa trách nhiệm bảo vệ đến cùng các chính sách của Chính phủ trước Quốc hội khi trình luật. Đây là vấn đề không đơn giản vì có rất nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội.
Bà Hoa cũng chỉ ra, cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ đóng vai phản biện và chỉnh lý dự thảo dựa trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nếu đổi vai khi chủ thể là Chính phủ giải trình trước Quốc hội không phải là ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là khi giải trình ý kiến của các đại biểu. Từ thực tế này, đại biểu Hoa “lắc đầu” với phương án 1.
Về lâu dài, theo đại biểu của Đồng Tháp, ngoài UB Pháp luật của Quốc hội, Quốc hội có thể tham khảo kinh nghiệm của Quốc hội một số nước đó là Quốc hội nên có cơ quan xây dựng pháp luật bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp.
Cũng theo nữ đại biểu, việc lấy ý kiến là căn cứ pháp luật để xây dựng luật, tránh việc áp đặt; tuy nhiên việc lấy ý kiến thời gian qua còn nhiều hạn chế, như đăng trên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành thì rất ít người truy cập, chưa kể ít người có ý kiến. Còn lấy ý kiến trực tiếp thì đối tượng lấy ý kiến rất ít người, việc lấy ý kiến cũng mang tính hình thức.
“Như vừa qua lấy ý kiến nhân dân về Luật Giáo dục sửa đổi nhưng thời gian lấy ý kiến ngắn nên hiệu quả của việc lấy ý kiến chưa cao, làm ảnh hưởng đến quá trình làm luật. Do đó trong lấy ý kiến cần phải quan tâm đến những vấn đề từng loại văn bản để phân loại” – bà Hoa nêu quan điểm.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn