Trước phiên bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi sáng 20/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 3 nội dung của dự thảo luật. Kết quả, có 406 phiếu nêu ý kiến đã được gửi về đoàn thư ký Quốc hội để tổng hợp.
Đồng ý tăng giờ làm thêm nếu trả lương lũy tiến
Nội dung về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, có 318 đại biểu Quốc hội (tương đương 65,84% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý phương án 1, tức muốn giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm như quy định hiện hành.
Trong số các ý kiến này, có đại biểu đề nghị ghi rõ nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Có ý kiến đề nghị ban hành danh mục đầy đủ các loại nghề, công việc theo nhóm quy định mức tăng giờ làm thêm hợp lý, trong đó xác định rõ số giờ cao nhất làm thêm ban ngày và ban đêm vì đây là hai khoảng thời gian khác nhau, tác động khác nhau lên người lao động nhằm tránh lạm dụng, tranh chấp và rủi ro cho người lao động và cả doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không quy định tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến một số ngành nghề sản xuất theo thời vụ như: nông, thủy sản, may mặc, giầy da, điện tử...
Có 83 đại biểu (tương đương 20,07% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án 2 là nới khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm như hiện hành lên tới 400 giờ/năm, theo đề xuất của Chính phủ.
Trong số những đại biểu đồng ý với phương án này, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện ràng buộc là tiền lương đối với giờ làm thêm trong 1 ngày phải nhân theo hệ số luỹ tiến (1.5, 2.0 ...) so với tiền lương trong khung giờ làm việc bình thường theo quy định. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện khi làm thêm từ giờ thứ 301 đến giờ thứ 400.
Nội dung thăm dò ý kiến thứ 2 là về nghỉ lễ, tết (khoản 1 Điều 112 dự thảo Bộ luật). Tỷ lệ tán thành ở nội dung này với phương án 1 (bổ sung một 1 ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương) rất cao, tới 370 đại biểu (tương đương 92,04% tổng số đại biểu Quốc hội). Chỉ 32 đại biểu chọn phương án 2 là giữ nguyên quy định về nghỉ lễ, tết trong năm như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, cũng có những ý kiến khác đề nghị bổ sung ngày nghỉ là ngày 3/9, tức là nghỉ thêm ngày liền kề Ngày Quốc khánh 2/9 để người lao động có điều kiện về thăm gia đình. Một số ý kiến đề nghị quy định ngày nghỉ thêm là ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Thực tế, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, sau khi có kết quả lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội đã “chốt” phương án quy định thêm 1 ngày nghỉ hàng năm, “nối” vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Sáng nay, 20/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, quyết định vấn đề này.
Đề nghị xây dựng lộ trình giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần
Nội dung về tuổi nghỉ hưu, có 280 đại biểu (tương đương 75,47% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án Chính phủ trình: quy định nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam. Lộ trình cụ thể, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Theo đó, vào năm 2028, số tuổi nghỉ hưu của nam đạt đủ 62 tuổi, năm 2035 số tuổi nghỉ hưu của nữ đạt đủ 60 tuổi.
Trong nhóm ý kiến này, có đại biểu ý kiến đề nghị người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu chung và giao Chính phủ quy định cụ thể nhưng không thấp hơn quy định hiện hành. Ý kiến khác đặt vấn đề, danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại phải được ban hành kèm theo Bộ luật khi được Quốc hội thông qua.
Liên quan vấn đề này, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong Bộ luật Danh mục ngành nghề được quyền nghỉ hưu trước tuổi (giáo viên dạy phổ thông, mẫu giáo, công nhân trực tiếp làm vệ sinh...) để minh bạch công khai.
Có ý kiến đề xuất Chính phủ làm rõ mối quan hệ giữa tuổi nghỉ hưu và thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nghỉ làm việc.
Cũng có đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tuổi nghỉ hưu tối đa đối với nữ là 58.
Bên cạnh nhóm ý kiến này, có 86 đại biểu (bằng 17,8% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý phương án 2, nâng tuổi nghỉ hưu nhưng lộ trình điều chỉnh giao Chính phủ quy định cụ thể.
Về ý kiến của một số vị đại biểu đối với Điều 105 quy định về thời giờ làm việc bình thường, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị giảm thời gian làm việc tối đa hàng tuần đối với khu vực sản xuất kinh doanh từ 48 giờ xuống 44 giờ. Ý kiến khác đề nghị xem xét các ý kiến góp ý của các đại biểu trên cơ sở ghi nhận những ý kiến của cử tri, của người lao động (không bao gồm khu vực hành chính sự nghiệp) mong muốn giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần để hướng đến còn 40 giờ/tuần.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về thời gian làm việc của người lao động hiện nay và nghiên cứu phương án giảm giờ làm bình thường hàng tuần.
Có ý kiến đề nghị dự thảo bộ luật cần thể hiện người lao động được hưởng thành quả của sự phát triển bằng việc giảm giờ làm, do đó cần bổ sung quy định về việc giao cho Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn