Chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Sóa (SN 1937, trú tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) – người lính “cảm tử quân” đã từng tham gia hơn 60 chuyến vận chuyển lương thực, hàng hóa ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Giữa làn đạn bom khốc liệt của kẻ thù, dẫu nhiều lần đối diện với cái chết trước mắt nhưng ông Sóa vẫn can trường cùng đồng đội của mình quyết tâm bám trụ “lấy con thuyền làm trận địa, lấy mạn thuyền làm giao thông hào” để đương đầu với kẻ thù.
“Tôi còn sống, đồng đội còn…”
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, với chủ trương bảo vệ và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, Khu ủy Vĩnh Linh đã chỉ thị cho các địa phương tích cực hưởng ứng phong trào tiếp tế cho đảo trên tinh thần: “Tất vả vì đảo Cồn Cỏ thân yêu, quyết tâm giữ đảo trong mọi tình huống”; “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”…
Sau chỉ thị ấy, hàng ngàn lá đơn tình nguyện của nam, nữ thanh niên, dân quân tự vệ,… tại các xã vùng biển tự nguyện xung phong vào đội cảm tử đi tiếp tế cho Cồn Cỏ.
Bồi hồi nhớ lại những ký ức không thể nào quên, ông Sóa kể: "Năm 1963 tôi tham gia những chuyến vận chuyển đầu tiên với nhiệm vụ chở bộ đội, lương thực, vũ khí, nước ngọt… ra đảo Cồn Cỏ. Để tránh bị địch phát hiện, thuyền chúng tôi thường xuất phát từ đất liền khoảng 6h tối, đi trong đêm, ra đến đảo khoảng 7h sáng. Mỗi thuyền chở hàng được bố trí đi từ 5-6 người, mỗi người trên thuyền được trang bị một khẩu súng. Tôi đảm nhận vai trò thuyền trưởng, cũng là Tiểu đội trưởng chỉ huy trong tình huống xảy ra chiến sự".
Thời gian ông Sóa tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ kéo dài từ năm 1963 đến 1968, ác liệt nhất là giai đoạn 1964-1968. Trong khoảng thời gian đó, ông đã chở được 62 chuyến ra đảo Cồn Cỏ. Trong 54 chuyến hàng đối diện với tàu khu trục hạm, tuần dương hạm của địch, có 3 trận chiến khắc sâu trong tâm trí ông.
Nhấp ngụm nước chè đặc quánh, ông Sóa kể tiếp: “Ngày 20/4/1966, tôi phụ trách thuyền trưởng cùng đoàn thuyền xuất phát ra đảo. Đang trong hành trình thì gặp tàu tuần tra của địch, chúng bắn pháo xối xả vào thuyền. Tôi cùng 5 anh em trên thuyền vừa chiến đấu vừa bảo vệ hàng hóa. Lấy kinh nghiệm từ các chuyến trước, chúng tôi vẫn quyết tâm chiến đấu với mục tiêu bảo vệ an toàn đưa hàng ra đảo là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, địch bắn pháo liên tục vào thuyền nên anh em phải nhảy khỏi thuyền, lúc đó thuyền cũng bị trúng đạn và chìm xuống. Anh em tìm cách bơi vào đảo Cồn Cỏ, riêng tôi cứu một đồng chí thương binh bị cụt tay bằng cách băng bó tạm rồi bơi suốt 8 km vào đảo. Trong trận này, có 2 đồng chí bị hy sinh tại chỗ”.
“Trận thứ 2 là ngày 24/6/1966, tôi làm thuyền trưởng cùng với đội thuyền của khu ủy Vĩnh Linh chở hàng ra cách đảo chừng 8 km thì bị tàu địch phát hiện. Chúng bắn tới tấp vào đội thuyền của chúng tôi. Trong đêm tối, giữa biển cả mênh mông, lực lượng không cân sức khi tàu của địch được trang bị tối tân, còn tàu của ta là thuyền buồm thô sơ, nhưng anh em vẫn bám thuyền chiến đấu, bảo vệ hàng ra đảo. Suốt 2 giờ cầm cự vừa chiến đấu, một số thuyền chở hàng vẫn cập đảo còn một số đã bị đánh chìm. Thuyền của tôi cũng bị trúng đạn và chìm xuống nhưng anh em trên thuyền đã bơi vào bờ an toàn.
Trận tiếp theo xảy ra vào tháng 2/1967, chuyến đi này gặp tàu địch tuần tra rất đông, chúng thả pháo sáng nhưng tôi đã nhanh trí tìm luồng để lách qua, tìm mọi cách chở hàng ra đảo. Nhưng khi cách đảo 12 km thì bị tàu của địch bao vây, thuyền của tôi và thuyền của xã Vĩnh Thạch đã trực tiếp chiến đấu nhưng vì tàu địch quá đông nên thuyền tôi bị trúng đạn và chìm xuống. Hai đồng chí đã bị hy sinh do trúng đạn, các thành viên còn lại tìm cách bơi vào bờ, cố bơi nhẹ để địch không phát hiện. Khi đang bơi thì tôi nghe tiếng của một đồng chí thương binh phía sau nên quay lại cứu”, ông Sóa hồi tưởng.
Trong ký ức của ông Sóa vẫn chưa thể quyên được kỷ niệm ông cứu thương binh. Ông Sóa bùi ngùi nhớ lại: “Lúc đó người đã quá đói và mệt, bơi giữa biển lạnh nhưng phát hiện thương binh nên vẫn quay lại cứu. Tôi xé áo băng bó vết thương cho đồng đội rồi đặt lên mái chèo bị gãy. Vừa bơi tôi vừa trấn an đồng chí ấy đừng uống nước, động viên anh ấy yên chí nằm trên mái chèo của tôi, “khi nào tôi chết thì đồng chí chết”.
Sau khi cứu được đồng đội vào đảo an toàn, nhờ được cấp cứu kịp thời nên người bị thương trận ấy tên là Nguyễn Văn Tống, thương binh 3/4, nay vẫn còn sống tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch.
Với những thành thích trong quá trình tham gia tiếp tế cho đảo, ông Sóa đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tặng nhiều danh hiệu, Huân chương, Huy chương, Bằng khen…
Truy điệu sống trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ
Trong những năm tham gia vận chuyển hàng tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, ông Sóa không nhớ rõ bản thân ông cùng đồng đội đã bao nhiêu lần đối diện thời khắc “sinh – tử cận kề”, song ông đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Sóa nói: “Có những lần biết trước nguy hiểm đang chờ đợi nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt nên anh em vẫn quyết tâm chở hàng ra đảo. Trong đó, có 2 lần đã phải làm lễ truy điệu trước khi lên thuyền, vì sự nghiệp thống nhất có thể chấp nhận hy sinh thân mình”.
Cùng với lực lượng các địa phương, ngày 13/3/1965, Đại đội 22, thuộc Trung Đoàn 270 được thành lập làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Đơn vị ban đầu gồm có 40 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng bổ sung có 80 thanh niên dân quân trực chiến. Trong khoảng thời gian từ 1965 - 1971, Đại đội 22 đã “mở đường máu” vận chuyển tổng cộng gần 7.000 tấn vũ khí, khí tài, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt, vật liệu để xây dựng công sự, trận địa trên đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã tiếp nhận, chuyển an toàn thương, bệnh binh về đất liền điều trị. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt đó, Đại đội 22 đã có 76 chiến sĩ hy sinh và mất tích.
Tại Bến đò B Tùng Luật, xã Vĩnh Giang cũng là nơi xuất phát vận chuyển lương thực ra đảo Cồn Cỏ. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1973, bến đò Tùng Luật đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ và xã đội Vĩnh Giang.
Từ năm 1965, trước yêu cầu chi viện “vị trí tiền tiêu” Cồn Cỏ trước sự bao vây, hủy diệt của Mỹ, hàng chục người ở Tùng Luật đã viết đơn, thậm chí có những lá đơn bằng máu, gửi lên Đảng ủy và Ban chỉ huy xã đội Vĩnh Giang đề nghị được tham gia phân đội tiếp viện Cồn Cỏ. Con đường từ đất liền ra đảo là “con đường máu”, trung bình 10 người lên đường thì có 5-6 người bị thương hoặc không trở về. Nơi đây đã đưa hơn 78.000 lượt thuyền, vận chuyển hơn 2 triệu lượt người và hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ.
Không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến hàng cập bến Cồn Cỏ an toàn. Cũng không thể nhớ đã có bao nhiêu chuyến có đi mà không về. Chỉ biết rằng, trên tấm bia khắc tên 236 liệt sĩ đã hy sinh vì đảo Cồn Cỏ, thì đã có 2/3 hy sinh trên con đường máu này.
Tác giả: Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn