Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp cho ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị định quy định ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng.
Hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống
Theo số liệu thống kê, cả nước có hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, các tổ chức thuộc Trung ương và địa phương, trong đó: Kỷ niệm cấp quốc gia có 7 ngày; Ngày thành lập của các bộ, ngành, địa phương có 87 ngày; Ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương có 121 ngày; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kỷ niệm ngày thành lập, tái lập tỉnh, thành.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định trong quá trình tổ chức các ngày thành lập, ngày truyền thống đã tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Như ngành công an nhân dân có nhiều ngày kỷ niệm (ngày thành lập, ngày truyền thống) của nhiều đơn vị, nhiều lực lượng khác nhau, hiện nay chưa có quy định cụ thể về tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống nên tần suất, quy mô tổ chức kỷ niệm của các đơn vị chưa thống nhất còn nhiều bất cập, hạn chế khó khăn trong công tác tổ chức và quản lý. Việc xác định ngày kỷ niệm và quy mô tổ chức kỷ niệm chưa được thực hiện thống nhất, một số đơn vị tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, một số đơn vị khác lại tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, có đơn vị tổ chức kỷ niệm trong nội bộ, có đơn vị tổ chức trong toàn lực lượng…. Một số công an đơn vị, địa phương tổ chức kỷ niệm còn hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Trong khi đó, kỷ niệm ngày thành lập, tái lập, ngày giải phóng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các nội dung hoạt động kỷ niệm với nhiều hình thức phong phú, có trọng tâm, tiết kiệm, không phô trương hình thức.
“Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày tái lập tỉnh với quy mô lớn, truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Trung ương; sau phần lễ là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm, sân khấu hoành tráng và hiện đại, âm thanh chuyên nghiệp, có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và hàng nghìn khách mời tham dự. Để tổ chức được chương trình nghệ thuật hoành tráng đó, các địa phương, đơn vị đã phải chi nguồn kinh phí lớn, hàng chục tỷ đồng”- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ rõ.
Hơn nữa, theo cơ quan quản lý văn hoá, việc mời khách trong lễ kỷ niệm chưa thực hiện đúng theo quy định, nhiều nơi huy động quần chúng nhiều, mời khách, mời lãnh đạo quá đông. Việc chiêu đãi, tặng quà, tặng hoa trong tổ chức các ngày kỷ niệm của Bộ, ngành, địa phương gây lãng phí, tốn kém, dư luận nhân dân không đồng tình.
Việc kỷ niệm thành lập tỉnh, thành lập đơn vị, thành lập ngành, nâng cấp thành phố, thị xã được tổ chức chủ yếu dựa vào khả năng, điều kiện của các đơn vị theo xu hướng tự phát. Số lần tổ chức có xu hướng gia tăng, một số tỉnh, thành phố vừa tổ chức năm tròn ngày thành lập, vừa tổ chức năm tròn ngày tái thành lập, phát sóng truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Trung ương thể hiện sự phô trương, tạo nên hiệu ứng đồng loạt tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.
Các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp... cũng thường xuyên tổ chức lại ngày thành lập, ngày truyền thống, vì vậy hình thức tổ chức trùng lặp, đơn điệu.
Đề xuất giới hạn không quá 500 đại biểu
Lý giải những bất cập trên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng mỗi cơ quan, đơn vị có một phương pháp và cách tổ chức khác nhau, do vậy dẫn đến tình trạng quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống chưa có sự thống nhất.
Việc công nhận tổ chức các ngày thành lập, ngày truyền thống được nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau thực hiện như: Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ chủ quản… Chính vì thế cần phải bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống.
Hơn nữa đến nay chưa có quy định cụ thể về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ, thành phần, số lượng khách mời nên dẫn đến tình trạng các đơn vị tự quyết định tổ chức theo ý chủ quan của mình, đa số tổ chức kỷ niệm quy mô lớn, nghi thức rườm rà, thành phần, số lượng khách mời dàn trải đang có chiều hướng gia tăng, gây tốn kém, lãng phí. Đặc biệt là các cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát và chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định về quy mô tổ chức đối với năm chẵn và tổ chức hàng năm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, quy định về nghi thức và trình tự buổi lễ kỷ niệm cũng như trang trí, khánh tiết buổi lễ kỷ niệm. Khách mời do ban tổ chức quyết định với số lượng phù hợp với tính chất, quy mô của buổi lễ kỷ niệm.
Trong đó quy mô tổ chức năm chẵn nếu mời lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thì chỉ mời 1 trong 4 người: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch quốc hội.
“Số lượng khách mời và ban tổ chức buổi lễ không quá 300 đại biểu với trường hợp tổ chức buổi lễ trong hội trường và không quá 500 đại biểu trong trường hợp tổ chức buổi lễ ngoài trời”- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất.
Dự kiến nguồn lực để thi hành quy định của Chính phủ về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương được lấy từ 3 nguồn: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; xã hội hóa trong nước và nước ngoài; từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
“Dự kiến nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương không tăng thêm khi thực hiện các chính sách trong nghị định. Những quy định này sẽ thống nhất được cách thức tổ chức buổi lễ trong cả nước theo hướng trang trọng, tiết kiệm và đạt được hiệu quả, khắc phục được hiện trạng tổ chức buổi lễ phô trương, hình thức, tốn kém”- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận định.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn