Cử tri TPHCM quan tâm tới sự việc của Hà Nội
Chiều 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1, TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4 (TPHCM).
Mở đầu buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM thông báo với cử tri về chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TPHCM bày tỏ sự quan tâm đến sự việc vừa xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Lần đầu tiên TPHCM tổ chức cho cử tri 3 quận gặp gỡ chung với các ĐBQH
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho rằng, vụ việc bức xúc dẫn đến phản kháng quyết liệt theo kiểu "tức nước vỡ bờ" của hàng nghìn người dân xã Đồng Tâm vừa qua đã nói lên nhiều điều. Chuyện một vài người không chấp hành việc thu hồi đất khác hoàn toàn với việc hàng nghìn người cùng bức xúc đồng tâm phản ứng việc thu hồi đất. Trường hợp này rõ ràng lợi ích dự án đang xúc phạm nghiêm trọng với đời sống người dân địa phương.
Ông Châu cho rằng, dư luận lâu nay vẫn bức xúc tình trạng thiếu chấp hành kỷ cương pháp luật, lạm quyền vì lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ các cấp. Việc "trên bảo dưới không nghe" và nhiều trường hợp "dưới nói trên cũng không nghe" đã dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương pháp luật và tính liêm chính của chính quyền các cấp.
"Vụ việc ở Đồng Tâm, nếu như không có phản kháng gay gắt của người nông dân và nếu như không có người đứng đầu chính quyền Hà Nội trực tiếp đến đối thoại với dân thì biết bao giờ tiếng nói của dân mới đến tai lãnh đạo TP Hà Nội?", ông Châu thắc mắc.
Qua sự việc này, cử tri Châu đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, có cơ chế giám sát quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án lớn tác động rộng rãi đến đời sống kinh tế xã hội nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài của đất nước và nhân dân.
"Không chỉ những dự án lớn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thì Quốc hội mới xem xét. Việc công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển hết sức nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, việc Thủ tướng phải dừng dự án thép Cà Ná mới đây do các phản biện và áp lực từ dư luận, sự việc cưỡng chế đất đối với nông dân ở xã Đồng Tâm... là các dẫn chứng mới nhất cho thấy Quốc hội cần phải tăng cường giám sát pháp luật thực hiện các dự án lớn, kể cả dự án không đầu tư từ ngân sách nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống dân sinh cũng như phòng tránh các dự án lạm dụng danh nghĩa đầu tư vì mục đích quốc phòng, thiếu công khai minh bạch. Đây là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát", ông Châu nói.
Đồng quan điểm trên, cử tri Lê Thanh Tùng (quận 3) cho rằng, không thể để xảy ra những vụ tương tự như Đồng Tâm. Phải nghiên cứu, nắm bắt tình hình để chủ động kịp thời ứng phó cho phù hợp. Vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy trách nhiệm của các đoàn thể, thanh niên, cựu chiến binh... còn mờ nhạt.
"Tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là đại biểu ứng cử ở địa phương phải có trách nhiệm. Sự việc xảy ra ở đâu thì ngoài huyện, xã, đoàn thể..., tổ ĐBQH phải có trách nhiệm liên đới", ông Tùng nói.
Cử tri TPHCM rất quan tâm tới sự việc mới xảy ra ở Đồng Tâm, Hà Nội.
"Mở rộng dân chủ, biết lắng nghe dân"
Trả lời ý kiến trên của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, thời gian qua, không chỉ vụ Đồng Tâm mà tại một số tỉnh thành đã có nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những vụ việc này.
Sau vụ Đồng Tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chỉ đạo thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện từ nguyên nhân đến quá trình xử lý cũng như cách giải quyết các vụ việc sau này.
Điều quan trọng nhất sau vụ Đồng Tâm cần rút ra chính là cần phải biết nắm bắt tình hình, hiểu rõ nguyên nhân, giải quyết có tình có lý. Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải thích dân hiểu được những chủ trương chính sách của Nhà nước ở trung ương và cơ sở để tạo sự đồng thuận.
"Giữ nguyên phép nước nhưng mở rộng dân chủ. Nếu biết lắng nghe dân, tìm hiểu nguyên nhân sự việc thì chắc chắn không có vụ Đồng Tâm. Việc dân gây áp lực cho cán bộ là không hay. Phải đối thoại, trao đổi; ai vi phạm phải xử lý; chỗ nào đúng phải bảo vệ. Phải thượng tôn pháp luật!", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Tác giả: Công Quang
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn