Nhiếp ảnh gia Hatsuzawa Ari, 45 tuổi, nói rằng anh cảm thấy bị choáng ngợp trước tốc độ thay đổi “chóng mặt” trong xã hội Triều Tiên - một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới.
Theo nhiếp ảnh gia Nhật Bản, sự thay đổi đầu tiên có thể nhận thấy là ở sân bay tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng 12/2016 khi Hatsuzawa đáp chuyến bay quá cảnh từ Trung Quốc tới Bình Nhưỡng. Hatsuzawa đã đi máy bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo.
Hatsuzawa nhớ lại vào thời điểm năm 2012, hành khách trên các chuyến bay nước ngoài của Air Koryo chủ yếu là những người đàn ông mặc quân phục cũ kỹ và bầu không khí trên chuyến bay rất căng thẳng.
Tuy nhiên tới năm 2016, sự xuất hiện của hai người phụ nữ giàu có trên máy bay của Air Koryo khiến Hatsuzawa tin rằng họ thuộc thế hệ giàu có mới tại Triều Tiên. Tầng lớp giàu có này xuất hiện nhờ nền kinh tế thị trường tại Triều Tiên sau nạn đói khủng khiếp vào giữa thập niên 1990 và bắt đầu nở rộ sau khi Triều Tiên dừng chính sách phân phối lương thực cho người dân vào giữa thập niên 2000.
Sự thay đổi cũng thể hiện ở thái độ của các tiếp viên hàng không Triều Tiên khi họ trở nên cởi mở hơn. Theo Hatsuzawa, các tiếp viên hàng không Triều Tiên trước đây thường rất căng thẳng, cứng nhắc và không cười. Họ thường đến gần chỗ của nhiếp ảnh gia Nhật Bản mỗi khi anh định sử dụng camera và đưa ra yêu cầu cứng rắn: “Làm ơn không chụp ảnh”.
Nữ cảnh sát giao thông Triều Tiên mỉm cười khi nhiếp ảnh gia Nhật Bản chụp năm 2016 (Ảnh: Hatsuzawa Ari)
Tuy nhiên bầu không khí căng thẳng trên các chuyến bay của Air Koryo hiện không còn nữa. Các thành viên trong phi hành đoàn không còn để ý quá nhiều tới hai phụ nữ ngồi gần cửa sổ khi máy bay cất cánh và trò chuyện với nhau suốt nửa tiếng. Các tiếp viên hàng không cũng không còn cản trở Hatsuzawa chụp ảnh. Theo nhiếp ảnh gia Nhật Bản, sự thay đổi này là điều anh chưa bao giờ nghĩ tới cách đây 4 năm.
“Trước đây, không hành khách nào được phép nói chuyện trên máy bay (Triều Tiên). Nếu họ cố tình nói chuyện, tiếp viên hàng không sẽ nhắc nhở họ. Quả là một sự thay đổi!”, Hatsuzawa nhận định.
Vào năm 2016, Hatsuzawa trở lại thăm Triều Tiên sau 4 năm. Chuyến đi lần này để lại nhiều điều bất ngờ và là một trải nghiệm đặc biệt đối với nhiếp ảnh gia Nhật Bản ngay từ khi đặt chân tới thủ đô Bình Nhưỡng. Hatsuzawa nhận ra rằng bộ mặt của Bình Nhưỡng đã thay đổi hoàn toàn.
“So với năm 2012, số lượng xe mới được sản xuất trong nước đã tăng gấp 3, với khoảng 1.500 xe lưu thông trên đường”, Hatsuzawa nhớ lại.
Hình ảnh các nữ cảnh sát giao thông làm việc tại các nút giao ở Bình Nhưỡng cũng tạo cho Hatsuzawa nhiều điều bất ngờ. Hatsuzawa nói rằng một nữ cảnh sát giao thông mặc quân phục thậm chí còn tươi cười khi anh chụp ảnh cô.
“Trước đây, bất kể khi nào tôi tìm cách chụp ảnh họ, họ sẽ nghiêm mặt lại, thậm chí một số người còn phàn nàn với hướng dẫn viên Triều Tiên về việc tôi có ý định chụp ảnh. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có một nữa cảnh sát giao thông Triều Tiên mỉm cười khi tôi chụp ảnh. Đây là chuyện không thể xảy ra khi ông Kim Jong-il còn nắm quyền”, Hatsuzawa nói.
Văn hóa hẹn hò
Một sự thay đổi nữa mà Hatsuzawa nhận thấy tại Triều Tiên là văn hóa hẹn hò của các cặp đôi. Những người trẻ Triều Tiên đã cởi mở hơn trong việc bày tỏ tình cảm với người yêu của họ.
Theo Hatsuzawa, hình ảnh những người đàn ông và phụ nữ trẻ ngồi gần nhau và thì thầm yêu đương tại những nơi công cộng như nhà hàng là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Một số cặp đôi còn thoải mái chụp ảnh “tự sướng” và khoác tay lên vai nhau.
“Tôi chưa bao giờ thấy những hình ảnh như vậy khi tôi đến thăm Triều Tiên trong giai đoạn ông Kim Jong-il còn nắm quyền”, Hatsuzawa cho biết.
Kim Young-hee, một người đào tẩu Triều Tiên và hiện là nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, cho rằng chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người đã khởi xướng văn hóa tình yêu cởi mở tại Triều Tiên.
“Ông ấy (Kim Jong-un) đã công khai về cuộc hôn nhân của mình và nắm tay vợ ông ấy, bà Ri Sol-ju, trên truyền hình. Tại những nước khác, cảnh tượng đó là chuyện bình thường. Nhưng tại Triều Tiên, đó là sự thay đổi rất lớn”, bà Kim cho biết.
Theo Kim Young-hee, ông Kim Jong-un có phong cách lãnh đạo khác cha của mình và ông coi việc xuất hiện cùng vợ trước công chúng là một phần trong phong cách lãnh đạo đó.
“Trước đây người Triều Tiên rất tôn thờ và sùng bái ông Kim Jong-il. Nhưng họ không biết ông ấy có vợ hay không”, bà Kim nói.
Việc Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju thường xuyên đi cùng chồng trong các sự kiện cũng tác động tới suy nghĩ của thế hệ trẻ Triều Tiên.
“Điều này đã ảnh hưởng tới văn hóa hẹn hò của thanh niên Triều Tiên. Cách bà Ri cư xử trước công chúng, phong cách thời trang cũng như mọi thứ liên quan đến bà đã ảnh hưởng tới người trẻ Triều Tiên. Tại Triều Tiên, những xu hướng mới nhất lại đến từ các lãnh đạo chính trị, chứ không phải từ những người nổi tiếng”, bà Kim nhận định.
Theo Hatsuzawa, làn sóng thay đổi trong xã hội Triều Tiên bắt đầu từ năm 2013, tức 2 năm sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Không giống các thế hệ trước đây thường điều hành đất nước với hệ tư tưởng chính trị cứng rắn, phong cách của ông Kim Jong-un cởi mở hơn với người dân Triều Tiên.
Nếu như cha và ông nội chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sức mạnh quân sự của Triều Tiên, ông Kim Jong-un đi theo đường lối thực dụng hơn và ưu tiên phát triển đời sống của người dân. Đối với ông Kim Jong-un, các vấn đề liên quan tới sự ấm no của người dân cũng quan trọng không kém sức mạnh quân sự.
Thông qua các cuộc nói chuyện với người dân Triều Tiên, Hatsuzawa nhận ra rằng sự thay đổi của xã hội Triều Tiên là phản ánh từ chính sách ưu tiên người dân của chính quyền Kim Jong-un. Thực tế cho thấy chính sách này đã đạt được nhiều thành tựu khi đời sống của người dân được cải thiện qua từng năm.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn