Theo hãng tin Reuters, quyết định của Tổng thống Trump đưa ra cùng lúc với các cơ quan tình báo, quân sự và thực thi pháp luật đang chuẩn bị bảo vệ cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày 6-11 khỏi các cuộc tấn công nước ngoài, ngay cả khi ông chủ Nhà Trắng chế nhạo cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đối với nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Biểu cảm của Tổng thống Donald Trump tại sân bay quận John Murtha Johnstown-Cambria ở Johnstown, khi ông tới bang Pennsylvania để tham dự lễ kỷ niệm ngày 11-9 lần thứ 17 tại Đài tưởng niệm quốc gia Chuyến bay 93 ở quận Somerset, bang Pennsylvania hôm 11-9-2018. Ảnh: Reuters
Theo các nguồn tin, mục tiêu của lệnh trừng phạt nêu trên có thể bao gồm những cá nhân hoặc công ty bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ bằng các vụ tấn công mạng hoặc các phương tiện khác.
"Chính quyền mong muốn thiết lập một chuẩn mực mới trong không gian mạng" – nguồn tin cho biết. "Đây là bước đầu tiên trong việc vạch rõ ranh giới và công bố công khai phản ứng của chúng tôi đối với hành vi xấu".
Reuters cho rằng sắc lệnh này là bước đi mới nhất trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm tỏ ra cứng rắn hơn đối với an ninh bầu cử trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 - sẽ quyết định liệu Đảng Cộng hòa có giữ được thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện hay không.
Theo các nguồn tin, sắc lệnh này cũng sẽ đặt trách nhiệm lên vai một loạt cơ quan trong việc xác định can thiệp có xảy ra hay không, trong đó dẫn đầu là Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và tiếp đó là các cơ quan như CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ An ninh nội địa.
Dựa trên dự thảo của sắc lệnh mà nguồn tin quan chức Mỹ nói trên được tiếp cận, nó sẽ đòi hỏi tất cả các cơ quan liên bang biết về can thiệp bầu cử từ nước ngoài cung cấp thông tin cho Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Thêm vào đó, can thiệp bầu cử sẽ được xác định theo thứ tự như các nỗ lực tấn công mạng chống lại "cơ sở hạ tầng bầu cử" và những nỗ lực để gây ảnh hưởng đến ý kiến công chúng thông qua tuyên truyền kỹ thuật số phối hợp hoặc rò rỉ hệ thống thông tin chính trị riêng tư.
Được biết, Quốc hội Mỹ không nằm trong tiến trình soạn thảo sắc lệnh này bởi chính quyền muốn ngăn Hạ viện và Thượng viện xem xét dự luật.
Các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật liên quan tới Nga, trong đó có "Deter Act" (đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với can thiệp bầu cử) và một dự luật khác được một nhà lập pháp Mỹ gọi là dự luật trừng phạt "từ địa ngục" để trừng phạt Moscow vì tấn công trên mạng và các hoạt động ở Syria, Ukraine và các nơi khác.
Cả hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tìm cách giải quyết những gì họ cho là lập trường yếu ớt của ông Trump về cáo buộc sự can thiệp của Nga vào bầu cử năm 2016 khi ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7. Tổng thống Trump lúc đó đã khiến cả thế giới sửng sốt khi chấp nhận sự bác bỏ của ông chủ điện Kremlin đối với chính những cáo buộc từ các cơ quan tình báo của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vàTổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki hồi tháng 7. Ảnh: Reuters
Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật về trừng phạt Nga hơn 1 năm trước. Một số nhà lập pháp, trong đó có cả các đại diện từ đảng Cộng hòa cũng như Dân chủ, đã công kích đối với thái độ mà họ xem là sự miễn cưỡng của chính quyền trong việc triển khai luật đó. Ông Trump đã ký dự luật sau khi Quốc hội thông qua với đa số ủng hộ.
Hành động dựa trên đạo luật này, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn đối với 24 công dân Nga, nhằm vào các đồng minh của Tổng thống Putin trong một trong những động thái gay gắt nhất của Washington nhằm trừng phạt Moscow.
Tác giả: Theo Đỗ Quyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn