Một tháng vừa qua là khoảng thời gian đánh dấu sự thay đổi rõ rệt của Tổng thống Rodrigo Duterte, cả về thái độ, giọng điệu và hình ảnh của ông trước công chúng. Nhà lãnh đạo Philippines dường như ngày càng lộ rõ sự mệt mỏi và tính cách cứng rắn trước đây của ông cũng đã “hạ nhiệt” dần trước sức ép từ vị trí của một tổng thống.
Hồi tháng trước, ông Duterte một lần nữa nhắc lại ý định từ chức và tuyên bố lần này của ông có vẻ “chân thực” hơn so với những lần trước đây. Văn phòng tổng thống Philippines thậm chí còn đưa ra một đề xuất chưa từng có tiền lệ, đó là để ông Duterte đi nghỉ dưỡng và tạm gác lại công việc lãnh đạo.
Khi những cảm giác “phấn khích” trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ qua đi, Tổng thống Duterte đã lựa chọn cách tiếp cận bình tĩnh và điềm đạm hơn trong chiến lược đối ngoại, bao gồm việc duy trì chính sách tỉnh táo và thấu đáo hơn trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Cứng rắn với Trung Quốc
Sau gần 2 năm thực hiện chính sách kết thân chiến lược với Trung Quốc, Tổng thống Duterte bắt đầu đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Bắc Kinh. Ông Duterte chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn về các hoạt động bồi đắp cũng như quân sự hóa trái phép của nước này đối với các thực thể trên Biển Đông.
Giọng điệu ngày càng cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Duterte được “châm ngòi” từ bản báo cáo mới bị rò rỉ hồi đầu tháng 8 của Các Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Văn bản này cáo buộc Trung Quốc liên tục quấy rối các hoạt động trinh sát và tuần tra trên không của máy bay Philippines ở các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề này, Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Philippines Carlito Galvez Jnr cũng công khai cáo buộc Trung Quốc đe dọa các hoạt động tuần tra thường kỳ của Manila trên Biển Đông. Các tuyên bố của giới chức quân sự Philippines luôn đóng vai trò quan trọng đối với Tổng thống Duterte - người dành sự quan tâm đặc biệt cho quân đội khi thường xuyên khen ngợi và tăng cường ngân sách cũng như phúc lợi cho lực lượng này.
Trong bài phát biểu tại quê nhà Davao hồi cuối tháng 8, Tổng thống Duterte đã có những phát ngôn cứng rắn bất thường với Trung Quốc. Ông cảnh báo Bắc Kinh không được phép “xây đảo” và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển tranh chấp.
Mặc dù Tổng thống Duterte vẫn nhấn mạnh rằng Philippines không “sẵn sàng” cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc cũng như không muốn đối đầu với Bắc Kinh, song ông đã công khai cảnh cáo các quân nhân Trung Quốc khi họ dùng “những lời lẽ tục tĩu” để nói chuyện với các quân nhân Philippines trong lúc tiến hành các cuộc tuần tra thường kỳ trên Biển Đông.
Vài ngày trước đó, trong bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp ở phủ tổng thống, ông Duterte đã đề nghị Trung Quốc “kiềm chế hành vi của mình”, đồng thời khẳng định sẽ trực tiếp đặt vấn đề với chính quyền Bắc Kinh về các vụ quấy nhiễu máy bay tuần tra trên Biển Đông. Phát ngôn của Tổng thống Duterte đã chọc giận Trung Quốc khi Bắc Kinh lớn tiếng cho rằng những gì nước này đã làm trên Biển Đông đều là các hành động hợp pháp.
Dịu giọng với Mỹ
Trong khi tăng cường giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Duterte đang dần dần cải thiện mối quan hệ với Mỹ - một đồng minh lâu năm của Manila. Vào giữa tháng 8, Lầu Năm Góc đã cử ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, tới Manila.
Khác với các chính quyền Mỹ trước đây khi chỉ đưa ra những cam kết mơ hồ và nước đôi với Philippines, ông Schriver tuyên bố rõ ràng rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump là “một đồng minh tốt”, có thể giúp Manila “ứng phó thích đáng” với bất kỳ mối đe dọa nào thách thức tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông.
Đây được xem là cam kết rõ ràng hơn từ phía Mỹ nhằm trấn an Philippines về khả năng Washington viện trợ quân sự cho Manila nếu xảy ra xung đột trực tiếp với Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.
Chính quyền Trump cũng chấp nhận nhượng bộ yêu cầu của Tổng thống Duterte về việc trao trả lại các quả chuông của nhà thờ Balangiga. Những quả chuông này được xem là biểu tượng cho thời kỳ chiếm đóng hà khắc của Mỹ tại Philippines hồi đầu thế kỷ 20.
Cũng trong chuyến thăm tới Manila, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas đã thông báo khoản tiền tăng 60 triệu USD trong viện trợ quân sự nước ngoài của Mỹ vào năm tới, cùng với đó là các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn với Philippines trong khuôn khổ quỹ đầu tư 60 tỷ USD.
Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đề xuất cung cấp các máy bay chiến đấu đa năng F-16 và các trực thăng tấn công của tập đoàn Lockheed Martin cho Philipines nhằm giúp hiện đại hóa lực lượng quân sự của đồng minh. Ông Douglas và các quan chức cấp cao Mỹ khẳng định Washington mong muốn tái tiếp cận toàn diện với các đồng minh then chốt như Philippines trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy vậy, Tổng thống Duterte cũng nói rõ rằng việc vực dậy mối quan hệ với Mỹ không có nghĩa là ông sẽ đánh đổi bằng các mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Ông Duterte đã lập tức “phản pháo” khi có những ý kiến từ Mỹ chỉ trích việc Philippines mua tàu ngầm và thiết bị quân sự hiện đại của Nga.
Ngoài ra, ông Duterte cũng công khai tuyên bố rằng Philippines và Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch hợp tác thăm dò dầu khí tại một số khu vực chồng lấn trên Biển Đông.
Có thể thấy rõ sự “khôn ngoan” của Tổng thống Duterte sau hơn 2 năm nắm quyền khi vừa hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ, vừa cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền. Tuy vậy, ông Duterte rốt cuộc vẫn luôn “trung thành” với việc đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho Philippines.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn