Cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiến bán đảo Triều Tiên lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng được xem là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Daily Express.
Chính phủ nhiều nước tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiềm chế, tránh để tình hình bị đẩy đến chỗ không thể cứu vãn.
Một loạt các nhà lãnh đạo và quan chức các nước đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ và Triều Tiên ngừng những phát biểu có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang hơn nữa.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 22/9 cho rằng, các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ nên tiết chế đưa ra những lời lẽ thù địch. Theo ông, việc Mỹ và Triều Tiên đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau là điều rất tệ hại và không thể chấp nhận được. “Chúng ta cần phải hạ nhiệt cho những cái đầu nóng”.
Ông Lavrov tin tưởng, đề xuất của Nga và Trung Quốc có thể mở đường cho một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trước đó, Nga và Trung Quốc từng đề xuất Triều Tiên ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa. Đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ dừng các hoạt động tập trận chung.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói: “Việc Mỹ và Triều Tiên đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau là điều rất tệ hại. Quả thực là không thể chấp nhận nếu cứ đơn giản là ngồi yên để nhìn các hành vi quân sự và hạt nhân của Triều Tiên, song cũng là không thể chấp nhận nếu bắt đầu một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, chúng ta cần phải làm dịu những cái đầu nóng và phải hiểu rằng chúng ta cần dừng lại, cần nói chuyện với nhau.”
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo, một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ có thể dẫn tới những điều bất hạnh: “Tôi muốn đảm bảo rằng, ở bất kỳ nơi nào có thể, Đức sẽ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Tôi muốn nhấn mạnh điều này nhất là trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng liên quan các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để chấm dứt cuộc xung đột này theo con đường ngoại giao. Mọi giải pháp quân sự đều sẽ dẫn đến tai họa và đó là lý do tại sao tôi sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy đối thoại và nỗ lực vì một thế giới an toàn hơn.”
Không chỉ những nước như Nga hay Trung Quốc, mà cả những nước đồng minh lớn của Mỹ như Đức hay Pháp thời gian qua đều ráo riết thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, trong khi những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng vượt kiểm soát.
Cả Mỹ và Triều Tiên đều không có dấu hiệu dừng lại cuộc chiến ngôn từ của mình. Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/9 một lần nữa nhắc lại cảnh báo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải hứng chịu các thách thức lớn chưa từng có. Phát biểu đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chế nhạo bài phát biểu của ông Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trước đó, hôm 21/9, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp mới nhằm trừng phạt mọi cá nhân, tổ chức hay định chế tài chính có quan hệ thương mại với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Triều Tiên không hề tỏ ra nao núng, thậm chí còn ngay lập tức tuyên bố rằng nước này có thể thử bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng “ở mức cao nhất” đối với Mỹ.
Một quan chức Mỹ hôm qua cho rằng, nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương, thì điều này sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” và Mỹ đang xem xét lời đe dọa này của Triều Tiên một cách rất nghiêm túc, dù nhấn mạnh không nên “quá tin tưởng” vào khả năng Triều Tiên có hành động như vậy.
Mỹ cũng đang tích cực làm việc với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đối phó với cái mà nước này cho là mối đe dọa từ Triều Tiên thông qua các biện pháp như gia tăng sức ép, cô lập ngoại giao, thậm chí răn đe quân sự đối với nước này./.
Tác giả: Theo Thu Hoài
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn