Phóng xạ và xung điện từ
Triều Tiên và nhiều quốc gia khác đã tiến hành các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất trong hàng chục năm qua, tuy nhiên không nhiều quốc gia thử bom nhiệt hạch trên không trung. Quốc gia gần đây nhất thử nghiệm loại bom này trên cao là Trung Quốc vào năm 1980.
Về lý thuyết, trong một cuộc thử nghiệm, bom nhiệt hạch sẽ được kích nổ ở một độ cao đủ lớn để không ảnh hưởng tới người dân sinh sống phía dưới. Tuy nhiên, nếu quả bom của Triều Tiên không phát nổ ở độ cao an toàn như dự kiến ban đầu, thì điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khó lường.
“Rất nhiều sai lầm có thể xảy ra trong quá trình phóng tên lửa. Nếu đầu đạn không nổ chính xác ở nơi mà bạn muốn nó nổ, hoặc nếu bạn phóng ở tầm thấp, thì rất nhiều phóng xạ sẽ bị lan truyền ra ngoài. Điều đáng lo ngại là nếu tên lửa đi chệch hướng và đầu đạn rơi xuống đất, bất kỳ mẩu đất nào tiếp xúc với nó cũng sẽ bị nhiễm phóng xạ”, chuyên gia hạt nhân Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nói với NBC.
Theo ông Narang, phóng xạ không chỉ gây ra các triệu chứng nhiễm độc và các vấn đề sức khỏe về lâu dài cho con người, mà còn hủy diệt hệ sinh thái, môi trường sống của cả động vật và thực vật.
Chuyên gia David Albright, người sáng lập kiêm chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh quốc tế và khoa học có trụ sở tại Washington, cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ một vụ thử bom nhiệt hạch rất “đáng sợ”.
Sau khi một vụ nổ bom nhiệt hạch xảy ra, đặc biệt ở dưới lòng đất hoặc dưới biển, chất phóng xạ có thể ngấm vào đất, nước và toàn bộ khu vực xung quanh, gây ra những hậu quả kéo dài về sức khỏe cho con người cũng như môi trường sống ở nơi vụ thử bom được tiến hành.
Các vụ thử hạt nhân từng được các nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc tiến hành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã giết chết rất nhiều người vô tội tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả ngư dân Nhật Bản. Ngoài ra, phóng xạ tỏa ra từ các vụ thử này cũng gây ra tình trạng ung thư cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác cho người dân ở nhiều khu vực trên thế giới cho tới tận bây giờ.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo một vấn đề nữa có thể xảy ra trong một vụ nổ bom nhiệt hạch của Triều Tiên là xung điện từ (EMP). EMP là một loại sóng, có thể làm cháy các thiết bị điện và phá hủy hệ thống thông tin liên lạc trong vòng bán kính hàng trăm km. Sau đó, sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục được các sự cố này.
“Nếu tên lửa Triều Tiên không bay theo quỹ đạo chính xác như nó được lên kế hoạch và một vụ nổ bom nhiệt hạch xảy ra ở tầm thấp, chúng ta có thể chứng kiến những hệ quả như EMP xảy ra tại các khu vực. Sẽ có rất nhiều cá chết”, chuyên gia Narang cho biết.
Nguy cơ xung đột
Theo chuyên gia David Albright, nếu Triều Tiên thực hiện thành công vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, căng thẳng chắc chắn sẽ leo thang đáng kể vì chưa có nước nào thử loại vũ khí hủy diệt này trên không trung trong nhiều thập niên qua.
“Tôi cho rằng nhiều bên sẽ muốn chấm dứt chính quyền Triều Tiên (sau vụ thử), chứ không chỉ dừng lại ở các biện pháp trừng phạt để đưa nước này tới bàn đàm phán”, ông Albright nói.
Chuyên gia Suzanne DiMaggio tại Viện nghiên cứu New America tại Washington cho rằng một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương cần được xem xét một cách nghiêm túc vì động thái này có thể dẫn tới một tình huống rất nguy hiểm, đó là một cuộc chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump ngày 19/9 đã tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” nếu nước này đe dọa tới an ninh của Washington cũng như các đồng minh. Ông Trump cũng cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đi trên con đường “tự sát” khi liên tục thách thức Mỹ.
2 ngày sau đó, ông Kim Jong-un cũng dọa đáp trả Mỹ ở “cấp độ cao nhất trong lịch sử”, đồng thời cảnh báo ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với những điều “nằm ngoài mong đợi” của nhà lãnh đạo Mỹ.
Một vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Theo Trung tá Mỹ Ralph Peters nếu Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, điều đó đồng nghĩa với việc nước này đã tiến rất gần đến kịch bản xung đột.
“Vụ thử này sẽ tiến rất gần đến một hành động khiêu chiến, gần hơn bất kỳ hành động nào mà chúng ta từng thấy trước đây”, ông Peters nói, đồng thời cho biết nguy cơ xảy ra chiến tranh là rất lớn nếu Trung Quốc không vào cuộc để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia Albright nhận định Mỹ có thể sẽ chưa tấn công Triều Tiên nếu chỉ sau một vụ thử, tuy nhiên nguy cơ xảy ra chiến tranh nhiều khả năng sẽ “tăng lên”. Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ tìm cách răn đe Triều Tiên bằng những hình thức khác như tiến hành một cuộc chiến tranh mạng hay tăng cường năng lực quân sự để bắn hạ tên lửa Triều Tiên trước khi rời bệ phóng.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng Triều Tiên có thể làm vậy (thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương), nhưng đây là hành động cực kỳ khiêu khích. Để đặt được đầu đạn hạt nhân thực sự lên trên tên lửa, sẽ chỉ còn cách là phóng thử rất nhiều lần và các tên lửa này hoàn toàn có thể bay qua các khu vực đông dân… Nếu tên lửa không bay chính xác, nó có thể sẽ trở thành một sự kiện làm thay đổi thế giới”, chuyên gia Narang nhận định.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn