Cuộc bầu cử quan trọng với châu Âu
Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi chính quyền của bà Angela Merkel mở cửa cho dòng người di cư và tị nạn vào năm 2015 và tiếp nhận gần 900.000 người. Vị Thủ tướng theo đường lối bảo thủ hứa với người Đức rằng họ sẽ xoay xở được và thực tế diễn ra đúng là như vậy. Nhưng về mặt chính trị, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà đã hứng chịu không ít chỉ trích, ít nhất là trong một thời gian. Bà Merkel đang được kỳ vọng đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4.
Nhiều thay đổi lớn đang diễn ra trong nền chính trị Đức. Sự phân hóa đang được hình thành rõ ràng, và đảng Sự Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) theo đường lối chống nhập cư và bài Hồi giáo, dù chưa "có chân" trong quốc hội, có thể về thứ 3 trong cuộc bầu cử. Tới giờ AfD chỉ có đại diện trong chính quyền cấp vùng. Một số ứng cử viên của họ đã đưa ra những tuyên bố mang nặng tư tưởng cực hữu.
Cơ cấu quốc hội Đức hiện tại (Đồ họa: BBC)
Quốc hội hiện tại có đại diện của 4 đảng phái do đảng CDU và CSU là đồng minh. Quốc hội khóa tới có thể tạo một tiền lệ là có đại diện của 6 trong tổng số 34 đảng phái tham gia tổng tuyển cử. Ngoài 2 đảng lớn, 4 đảng khác được dự đoán sẽ giành được hơn 8% số phiếu, bao gồm đảng Xanh, đảng Die Linke (đảng cánh tả), đảng AfD và đảng Dân chủ Tự do (FDP) với chủ trương ủng hộ thị trường tự do.
Cuộc bầu cử lần này cũng quan trọng với phần còn lại của châu Âu. Đức đóng vai trò chủ chốt trong Liên minh châu Âu, một phần vì quy mô kinh tế của nước này. Họ cũng đóng góp cho ngân sách của EU nhiều hơn bất cứ nước nào khác.
Tranh cãi xung quanh cuộc khủng hoảng di cư
Cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang chiếm nhiều sự quan tâm trong cuộc bầu cử lần này, cùng với tất cả những gì liên quan tới nó: nhập cư, tị nạn, hòa nhập và trục xuất người xin tị nạn không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Trang web tin tức của Đức Focus phàn nàn rằng chủ đề trên đã gần như chiếm trọn cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình giữa bà Angela Merkel và đối thủ chính của bà, ông Martin Schulz của đảng SPD. "Thực sự không còn vấn đề nào khác ngoài vấn đề người tị nạn sao?", trang web này đặt câu hỏi.
Dẫu vậy, tỉ lệ ủng hộ bà Angela Merkel gần như không suy giảm do cuộc tranh cãi về di cư. Sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn Syria, chính phủ của bà Merkel đã đưa ra đường lối cứng rắn hơn, hứa sẽ tiến hành các đợt trục xuất sau khi hàng trăm nam giới, chủ yếu là người Bắc Phi đã tấn công phụ nữ ở Cologne vào đêm giao thừa năm 2016.
Ngoài vấn đề di cư, nước Đức cũng quan tâm tới những vấn đề khác như: Bất bình đẳng xã hội, phúc lợi, nghèo đói, an ninh trong nước và giáo dục. Đó là lý do mà ông Schulz muốn tập trung vào chế độ tiền lương công bằng, nâng cao chất lượng giáo dục và cải cách chế độ lương hưu.
Brexit gần như không được đề cập trong chiến dịch tranh cử và không hề được nhắc tới trong cuộc tranh luận trên truyền hình.
Bà Merkel cầm chắc chiến thắng?
Câu trả lời là chưa, vì dù kết quả thăm dò có thế nào đi nữa thì vẫn còn hàng triệu cử tri chưa quyết định, chiếm tới 46% tổng số cử tri, theo lời đối thủ chính của bà, ông Martin Schulz.
Nhưng với việc đảng SPD vẫn kém đảng của bà Merkel 14 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận, khó có khả năng ông Schulz thu hút được tất cả họ. Ông đã không ghi được điểm trong cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình và đề nghị tổ chức cuộc tranh luận thứ 2 của ông đã không được chấp nhận. Một phần của vấn đề là đảng của ông là đối tác cấp thấp trong liên minh của bà Merkel suốt 4 năm qua.
Hi vọng duy nhất của ông là tỉ lệ ủng hộ ông trong cuộc thăm dò dư luận mới đây có tăng. Một lí do khiến bà Merkel có thể yên tâm là kinh tế Đức đang phát triển rất tốt. GDP đang tăng trưởng và chính phủ đang bội thu ngân sách.
Người Đức trên 18 tuổi đi bỏ phiếu bầu 1uốc hội cứ 4 năm một lần theo hình thức đầu phiếu kết hợp nguyên tắc "người dẫn đầu giành ghế" và hình thức đại diện tỷ lệ.
Ước tính 61,5 triệu người sẽ đi bầu, mỗi người có 2 lá phiếu. Lá phiếu thứ nhất là để bầu trực tiếp cho ứng cử viên tại một trong 299 khu vực bầu cử, lá phiếu thứ 2 là để bầu cho một đảng tại một trong 16 bang của Đức. Để có ghế trong quốc hội, mỗi đảng cần 5% tổng số phiếu hoặc 3 nghị sĩ được bầu trực tiếp.
Có 299 nghị sĩ được bầu qua danh sách của đảng, nhưng quốc hội cũng bổ sung thêm số ghế để sao cho số nghị sĩ của một đảng trong qốc hội tỷ lệ với số nghị sĩ thắng cử qua danh sách của đảng đó. Quốc hội khóa trước có 630 ghế.
Tổng cộng 4.828 ứng cử viên đang tham gia tranh cử, 29% trong số đó là phụ nữ. Chỉ đảng Xanh và đảng Die Linke chọn một nửa số ứng cử viên là nữ. Ứng cử viên nhiều tuổi nhất năm nay 89 tuổi còn ứng cử viên trẻ nhất mới 18 tuổi.
Tác giả: Trần Tài
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn