Tổng Bí thư Trường Chinh- Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 15/02/2017 22:01
Đồng chí Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu), sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hoá.

Đồng chí Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu), sinh ngày 9-2-1907, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hoá.

Đồng chí Trường Chinh tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi; tích cực tìm hiểu nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chuyển từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, là học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng.

Tư duy chiến lược tài năng, sáng tạo

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Cũng từ đây, Đảng ta hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước. Nghị quyết Trung ương 8 khẳng định: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Trên cơ sở làm sáng tỏ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, trong tài liệu chính sách mới của Đảng (viết tháng 9-1941), đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: "Cuộc cách mạng Đông Dương hiện thời là cách mạng giải phóng dân tộc"; "Lúc này, nhiệm vụ phản đế nặng nề và cấp bách hơn nhiệm vụ ruộng đất... Lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thẩy…”.

Tổng Bí thư Trường Chinh- Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Trường Chinh thăm căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị (tháng 1-1974). Ảnh tư liệu

 

Quyết định chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 8 là sự hoàn chỉnh quá trình chuyển hướng chiến lược được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng thời là sự trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng dân tộc được khẳng định trong "Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt" từ tháng 1-1930. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn của cách mạng. Đồng chí Trường Chinh là người khởi thảo Nghị quyết có vai trò hết sức quan trọng trước một quyết định chiến lược, mang ý nghĩa lịch sử.

Như vậy, trong tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh đã tụ hội được tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, với những dự báo đúng đắn về tình thế cách mạng trực tiếp và thời cơ lịch sử khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 7-5-1944, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh viết Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để đưa Chỉ thị quan trọng này vào quần chúng cả nước, trước đó, trên Báo Cờ giải phóng xuất hiện nhiều bài viết, tập trung giải quyết vấn đề này dưới tiêu đề chung “Sửa soạn khởi nghĩa”. Để quán triệt sâu rộng hơn nữa tinh thần bản Chỉ thị, đồng chí Trường Chinh viết bài “Hãy nắm lấy khâu chính” đăng trên Báo Cờ giải phóng, tóm tắt thành 5 việc cốt yếu để thi hành Chỉ thị trên của Tổng bộ Việt Minh. Đồng chí yêu cầu các địa phương ra sức phát triển các tổ chức tự vệ, tổ chức thêm bộ đội chiến đấu; huấn luyện thêm cán bộ quân sự; tìm hết cách sắm sửa vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang, vận động binh lính; làm cho chiến thuật khởi nghĩa phổ biến trong các tổ chức cách mạng và trong nhân dân.

Khi nhận được tin có dấu hiệu chuẩn bị chiến đấu của quân Nhật, Tổng Bí thư Trường Chinh lập tức triệu tập Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) vào đêm 9-3-1945. Nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh. Ngày 15-3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Mặt trận Việt Minh phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang, từ ngày 15 đến 20-4-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang (thuộc An toàn khu 2). Đây là Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng, nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội để quyết định phát động Tổng khởi nghĩa và thành lập Chính phủ lâm thời.

Để đường lối, chính sách mới của Đảng đi vào cuộc sống, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Tổng Bí thư Trường Chinh là phải xây dựng Đảng vững mạnh. Ngay sau Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài “Củng cố Đảng” đăng trên Báo Giải phóng (tháng 6-1941), nói về vấn đề cán bộ và vấn đề sinh hoạt chi bộ. Ngày 21-12-1941, Tổng Bí thư triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng và ra Thông cáo “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” gửi các cấp bộ đảng. Tiếp đó, giữa tháng 1-1942, đồng chí viết tài liệu “Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương”, gửi Ban Tuyên truyền huấn luyện Trung ương để kịp thời uốn nắn một số lệch lạc trong nội bộ Đảng, giúp toàn Đảng nhận định đúng tình hình và xác định những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các cơ quan báo chí của Đảng; thông qua đó để truyền đạt nhận định về thời cuộc, về đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức và uốn nắn phong trào cách mạng… Tháng 10-1941, đồng chí trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản-cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng; tháng 1-1942, đồng chí phụ trách Báo Cứu quốc-cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra Báo Cờ giải phóng-cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. Tờ báo thực sự trở thành công cụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể.

Tổng Bí thư Trường Chinh cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác báo chí, tuyên truyền, để tạo ra sự đồng bộ với sự phát triển của tổ chức đảng và quần chúng khắp cả nước. Nhờ các hoạt động tích cực và bằng những biện pháp toàn diện của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các Xứ uỷ, các tổ chức đảng được củng cố, các văn kiện của Đảng được phổ biến tới các đảng bộ, chi bộ địa phương, tới các đảng viên và quần chúng cách mạng. Đến đầu năm 1942, Chương trình, Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngày 6-6-1941) vào đến Sài Gòn và Hậu Giang, góp phần tạo ra khí thế và phong trào cách mạng mới trong cả nước.

Thắng lợi của cách mạng không tự nó đến mà phải có sự chuẩn bị, chủ động, tích cực. Chọn thời cơ cách mạng, nắm thời cơ và chớp thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa toàn quốc đã được Đảng ta, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh vận dụng sáng tạo, là một kỳ tích của lịch sử. Chỉ trong hơn mười ngày, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước. Đó là một trong những thành công nổi bật của tư duy chiến lược tài năng và bản lĩnh chính trị vững vàng của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Đường lối đúng đắn và những quyết sách chiến lược

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo công tác chung, mà rất coi trọng chỉ đạo công tác quân sự. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều hội nghị quân sự, đồng chí Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị Tổng Bí thư, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thu-Đông năm 1947, thực dân Pháp tập trung hầu hết lực lượng cơ động trên chiến trường chính Bắc Bộ tấn công lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ, đánh thẳng vào cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi", đồng chí đã trình bày một cách sáng tạo các chặng đường của cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đồng chí chú trọng chỉ đạo cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, từng bước thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng", chuẩn bị những tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi dấu ấn vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Trường Chinh được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Cũng tại Đại hội II của Đảng, với "Luận cương về cách mạng Việt Nam", đồng chí Trường Chinh đã phát triển khái niệm cách mạng tư sản dân quyền thành khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đề ra một hệ thống lý luận, phương châm chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa II) tháng 1-1953, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng: “Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn”.

Tổng Bí thư Trường Chinh- Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh minh hoạ 2

Đồng chí Trường Chinh thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân xây dựng 
Cầu Thăng Long (ngày 31-1-1984). Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Trường Chinh đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, chèo lái con thuyền cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đánh giá về công lao của đồng chí Trường Chinh, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã khẳng định: ''…Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng… Đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới

Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhận rõ trách nhiệm ở vị trí mới trước sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở thời điểm hết sức ngặt nghèo của lịch sử đất nước và dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã đem hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VI. Nhiều suy tính, quan điểm, khuynh hướng khác nhau đòi hỏi phải được quy về một mối. Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo, tổ chức làm việc chặt chẽ trong quỹ thời gian eo hẹp chuẩn bị Đại hội, vừa lắng nghe những thông tin khoa học, vừa nắm bắt tình hình cụ thể của các ban, các ngành, các địa phương để đi đến kết luận thỏa đáng, phù hợp.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh là người lát những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự nghiệp vĩ đại đó. Chính trong thời điểm phức tạp nhất của hoàn cảnh quốc tế, cùng với những khó khăn chồng chất của đất nước, trên cương vị Tổng Bí thư, với tư duy chính trị lão luyện, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí Trường Chinh sớm nhận rõ xu thế phát triển của thời đại, thấu hiểu thực trạng đất nước và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị kịp thời đề ra chủ trương đổi mới. Những quan điểm đổi mới tư duy mà đồng chí là người đầu tiên đề xuất, đã trở thành nền tảng phương pháp luận cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới.

Đồng chí Trường Chinh là người khởi đầu, sớm đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Theo đồng chí, chỉ có đổi mới tư duy kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao thì mới tạo được niềm tin vào Đảng và công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy kinh tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho đổi mới toàn diện. Song không phải chờ đổi mới tư duy kinh tế xong mới bắt đầu đổi mới hệ thống chính trị, mà phải tính toán bước đi thích hợp để đổi mới từng bước hệ thống chính trị.

Với tinh thần đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định mối quan hệ giữa quản lý kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Theo đồng chí: "Chuyển sang hoạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định, đó là tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Cần tiến hành ngay việc đổi mới và kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, trước hết đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh". Quá trình đổi mới tư duy, đồng chí bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế.

Đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam; luôn nắm vững nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn để tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đồng chí luôn có tinh thần chí công vô tư, coi trọng chân lý, không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân; luôn đoàn kết lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân. 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, đồng chí Trường Chinh đã nêu gương sáng của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Theo dangcongsan.vn

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây