Tỉnh Bắc Kạn - cửa ngõ nối liền 3 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên có một vị trí vô cùng quan trọng của An Toàn Khu tuyệt mật trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đoàn cán bộ đã từng ở, từng qua lại, chỉ đạo kháng chiến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi kháng chiến. Ảnh tư liệu |
Tình cảm của nhân dân Bắc Kạn đối với Bác Hồ là tình cảm của người dân đối với lãnh tụ, vị cha già dân tộc muôn vàn kính yêu, là tình cảm của những người thân thiết trong một đại gia đình, trong làng bản… Người là người ông, người cha, người bạn, người anh… chính nhờ những vị trí quan trọng và tình cảm sâu nặng đó đã xây nên những hình ảnh, những minh chứng cho những đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Mảnh đất Bắc Kạn thân thương vẫn còn lưu giữ dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trái tim người Bắc Kạn mãi lưu giữ hình ảnh của Người trong những năm tháng cách mạng hào hùng:
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Lịch sử cách mạng đã ghi lại chân thật, sinh động những nơi Bác Hồ đã ở chỉ đạo cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược và những chuyến đi đặc biệt quan trọng của Người qua địa phận Bắc Kạn. Chuyến đi nào, nơi ở nào cũng ghi đậm dấu ấn với một tình cảm không bao giờ phai nhạt, ghi lại những lời dạy của Người với nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nhắc lại 3 chuyến đi quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua vùng đất Bắc Kạn. Đó là chuyến đi của Người từ Pác Bó tới Tân Trào tháng 5 - 1945; chuyến đi của Người lên Cao Bằng trực tiếp chỉ huy chiến dịch biên giới tháng 9 - 1950 và chuyến trở lại kiểm tra tình hình vùng giải phóng Cao - Bắc - Lạng tháng 3 - 1951.
Chuyến đi thứ nhất: Tháng 5 - 1945, tình hình thế giới biến chuyển mau lẹ, cùng với đà chiến thắng của phe đồng minh trước phe phát xít, cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi quan trọng, vừa từ Trung Quốc về, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đại bản doanh cách mạng từ Pác Bó về Thái Nguyên, Tuyên Quang trực tiếp chỉ đạo cách mạng đó là một chuyến đi lịch sử - Chuyến đi từ Pác Bó tới Tân Trào, chuyến đi này, đoàn đi qua nhiều vùng đất của tỉnh Bắc Kạn như Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn… dấu chân của Người in trên các nẻo đường, các bản làng người Tày, người Dao… Ngày 10 - 5 - 1945, Hồ Chủ tịch cùng đoàn cán bộ hành trình tới Ngân Sơn. Ngày 11 - 5 - 1945, đoàn đi qua bản Sành, Nà Y (xã Thượng Ân, gặp lúc trời mưa tầm tã). Buổi chiều Người đến bản Hoàng Phài (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn). Khi ấy nhà thơ Nông Quốc Chấn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật) đang là một cán bộ Việt Minh trẻ của xã đã kịp “ghi lại” những hình ảnh rất thơ, chân thực, sinh động giản dị mà sâu nặng về đoàn cán bộ - Bộ đội ông Cụ:
Bộ đội đã đến kìa!
A lúi! Những người là người
Đeo súng ngắn, súng dài, súng Dóp…
Hoan hô! Hoan hô!
Nhìn không chớp mắt
Có cả người mũi lõ tóc quăn
Hai con mắt màu gio như lính Pháp
Lại có cụ già đi chân đất
Mặc bộ quần áo Nùng
Tay cầm cây gậy mây rừng
Miệng ngậm một chiếc can không khói
Bộ râu dài vừa trắng vừa đen
Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên…
Cụ già cười, vẫy tay chào người đứng đón.
Nhân dân các dân tộc Cốc Đán - Thượng Ân chuẩn bị đón tiếp bộ đội Ông Cụ như chuẩn bị một đám cưới “ đồ ăn đã sắm đủ” và nấu ăn, phục vụ đoàn như những người khách quý đến dự ngày vui và hình ảnh của ông cụ hiện lên gần gũi, thân thương. Nửa đêm về sáng, mấy căn nhà nơi Ông Cụ và bộ đội ở đã đỏ lửa. Họ đồ xôi, nấu cơm sáng cho đoàn. Nhóm người nấu nướng vẻ như bận hơn hôm qua vì bữa sáng cũng đầy đủ không kém lại chuẩn bị gần mấy chục nắm khảu lèng (bữa ăn phụ trên đường đi). Sáng ra, bộ đội ăn cơm rất sớm. Đang ăn, ngoài trời đổ mưa rất to. Ăn xong mà mưa vẫn chưa tạnh. Ông Cụ cho người thổi còi làm lệnh lên đường. Bộ đội từ các nhà nhanh chóng đi ra sân tập hợp để lên đường. Ông Giáo cầm ô cùng các cụ trong bản đội nón đứng đưa tiễn bộ đội. Sau khi truyền đạt mệnh lệnh lên đường, Ông Cụ thò tay vào túi đem ra nhiều tờ tiền 5 đồng (tiền Đông Dương Ngân hàng) đưa cho ông Giáo, gọi là trả một phần tiền cho dân bản đã lo hai bữa ăn “như đám cưới” cho bộ đội. Ông Giáo xua tay, không nhận:
- Dân bản tôi không lấy tiền đâu, chúng tôi ủng hộ thôi! Bộ đội còn phải đi đường dài, còn cần đến nhiều tiền.
Ông Cụ nhìn ông Giáo và các cụ trong bản giọng chân tình:
- Xin ông và các cụ nhận cho. Dân ta ở đâu cũng còn nghèo, cách mạng cũng nghèo, bộ đội đi đến đâu cũng được đồng bào cho ăn, cho nghỉ, nếu có điều kiện đều phải trả tiền.
Ông Giáo và các cụ trong bản cứ xua tay, lắc đầu. Ông Cụ gọi đồng chí Mỹ Đức lại gần, trao tiền và nói như ra lệnh:
- Đồng chí ở lại sau, trả xong món tiền này cho dân mới được đi. Đấy là nhiệm vụ cách mạng.
Những hình ảnh này thật trong sáng qua những vần thơ của nhà thơ Nông Quốc Chấn:
Cụ cảm ơn. Cụ trả tiền - dù chủ nhà không nhận
Cụ bắt tay từng người
Cụ đi khỏi rồi
Ai cũng thương cũng nhớ
Người hỏi người không ai biết rõ
“Tên cụ già là chi?
Tóc bạc vẫn còn đi
Nhất định đây là người “Pỏ Cốc”
Dân ta sắp tới ngày độc lập.
(BỘ ĐỘI ÔNG CỤ)
Chuyến đi thứ hai: tháng 9 - 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ra trận, trực tiếp chỉ huy chiến dịch biên giới (đây là lần duy nhất chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ huy). Đoàn cán bộ cùng Bác Hồ đi chiến dịch biên giới gồm có: đồng chí Nhất Tiên Phong, đồng chí Định (Võ Viết Định, tức Chu Phương Vương, quê Hòa An, Cao Bằng), đồng chí Chánh (Nguyễn Chánh - Bác sỹ), một đồng chí chụp ảnh (Vũ Năng An) và mấy đồng chí bộ đội. Đoàn mang mật danh Thắng lợi. Theo lời kể của đồng chí Võ Viết Định (Chu Phương Vương) - thì hành trình Bác Hồ đi chiến dịch đoạn qua Bắc Kạn như sau:
Ngày thứ nhất: Đoàn xuất phát từ Khau Lấu (cách thác Rẫng, nơi đóng văn phòng Chính phủ, chừng 5 km), qua đèo De, Điềm Mặc, đi tắt sang chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn), đêm ngủ lại ở bản Tèng, cách thị trấn Chợ Mới chừng 1 km.
Ngày thứ hai: Đi theo đường quốc lộ chừng 42 km tới một cái lán chờ phà bên bờ sông Bắc Kạn, ăn tối rồi nghỉ lại.
Ngày thứ ba: 4 giờ sáng hôm sau Bác dậy, xuống sông tắm rồi cho mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (Nông Quốc Chấn) và Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Bắc Kạn tên là Phùng (tức tri phủ Hòa An, quê chợ Rã, thường gọi là phủ Phùng, đi theo cách mạng từ năm 1945). Bác làm việc và dặn dò anh Chấn công việc lãnh đạo… rồi cả đoàn đi tiếp, qua sông chừng 2km gặp một quán bán hàng bỏ không bên đường, đoàn nghỉ nấu cơm trưa ăn, tạm lánh vào ven rừng nghỉ chiều tối đi tiếp. Buổi tối có một xe ô tô của Bộ Quốc phòng đến đón. Bình xăng của chiếc xe chỉ chứa được 4 lít nên phải nhiều lần dừng lại đổ xăng. Xe thẳng đường vượt đèo Giàng, đến đầu chợ Nà Phặc, rẽ trái ngược đường Hà Hiệu - Phia Đén. Xe đi suốt đêm, sáng đến đỉnh đèo Phia Đén thì nghỉ lại.
Qua khỏi địa phận Bắc Kạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng Uyên, ra Đông Khê, lên núi Báo Đông quan sát và chỉ đạo trận đánh đồn Đông Khê. Người đã viết những dòng thơ đầy hào sảng trên đỉnh núi này:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.
(Lên Núi - Hồ Chí Minh - 1950)
Chuyến đi thứ ba: Tháng 3 - 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác đã đến Nà Tu thăm hỏi sức khỏe, nhắc nhở các cán bộ, đội viên Phân đội thanh niên xung phong 312 phải tổ chức lao động khoa học, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người đọc tặng 4 câu thơ:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Nà Tu là một địa danh thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, nằm gần quốc lộ 3, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn chưa đến 10 km về phía Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp đây là nơi Liên phân đội thanh niên xung phong 312 đóng quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải phục vụ cuộc kháng chiến.
Bài thơ ngắn đã trở thành phương châm hành động của thanh niên, là ý chí phấn đấu đi lên của thế hệ trẻ. Di tích lịch sử quốc gia Nà Tu đã trở thành điểm đến của thanh niên và du khách để ôn lại lịch sử cách mạng những năm tháng không bao giờ quên.
Muôn vàn tình thương nhớ, kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân tỉnh Bắc Kạn nguyện mãi khắc ghi lời Người dạy, làm đẹp lên, sáng lên những vùng đất, những con đường Bác đã ở, đã đi qua trên hành trình giải phóng dân tộc./.
Tháng 5 - 2016
Hoàng Quảng Uyên
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn