Ghi chép của Tùng Vân
Bằng ý thức và nội lực, sự đoàn kết của nhân dân trong thôn, Nà Phải, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, là hình ảnh đẹp đại diện cho mô hình xây dựng nông thôn mới của xã Phương Linh.
Bộ mặt nông thôn Nà Phải hôm nay đang từng ngày khởi sắc. Những ngôi nhà xây cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều. |
Phát triển kinh tế làm nền tảng
Thôn Nà Phải, xã Phương Linh, huyện Bạch Thông, có 49 hộ, cuộc sống chủ yếu là phát triển nông, lâm nghiệp, nhưng bằng ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết của tập thể nhân dân, bộ mặt của thôn chuyển biến tích cực. Anh Dương Văn Thìn, Trưởng thôn Nà Phải cho chúng tôi biết: Xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong tiêu chí quan trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn đã tích cực vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sản xuất thành hàng hóa...Khoảng 5 năm trở về trước, cánh đồng của Nà Phải thực hiện trồng 3 vụ với các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, do đó, nhiều năm Nà Phải được coi là vùng cung cấp lượng rau lớn ở huyện Bạch Thông cũng như thị trường Bắc Kạn. Hai năm trở lại đây, một phần do thời tiết khí hậu thất thường, rét đậm kéo dài, phần vì người dân chuyển sang phát triển chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn nên việc làm vụ 3 ở Nà Phải giảm so với trước.
Ở Nà Phải, nhân dân trong thôn có tinh thần đoàn kết xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn bó mật thiết, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân; cán bộ, đảng viên trong thôn luôn phát huy gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt mọi việc, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân trong thôn. Nhiều năm liền thôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; các chi hội, đoàn thể đạt vững mạnh, xuất sắc…Thôn sớm có ý thức không trông chờ ỷ lại vào nhà nước, nhà nhà trong thôn đều chủ động, sáng tạo, làm giàu theo cách của mỗi gia đình. Diện mạo của thôn hôm nay đã nói lên tất cả, thôn có tới trên 80% nhà xây kiên cố; các phương tiện cơ giới hoá trong sản xuất, xe máy, ti vi...nhà nào cũng có. Trong thôn có khoảng hơn 10 hộ chuyên phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn nái; có hộ nuôi gia súc theo phương thức vỗ béo. Hết năm 2016, toàn thôn chỉ có 3 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; không phát sinh các loại tệ nạn xã hội; an ninh trật tự luôn đảm bảo; 37/49 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa…và đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa.
Vai trò cán bộ, đảng viên được thể hiện
Nói về việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới của thôn Nà Phải, đồng chí Vi Văn Đầm, Bí thư Đảng ủy xã Phương Linh phấn khởi chia sẻ: “Phải khẳng định rằng, nhân dân khu dân cư thôn Nà Phải được địa phương coi là “lá cờ đầu” trong thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới mà xã Phương Linh chọn làm thôn điểm để các thôn khác cùng học tập. Kết quả của sự bứt phá đi lên như ngày hôm nay ở Nà Phải là nhờ có sự lãnh đạo trực tiếp của chi ủy chi bộ, các ban, đoàn thể trong thôn, đặc biệt hơn nữa là sự nhiệt tình, đồng lòng ủng hộ của nhân dân trong thôn trên tinh thần tương thân, tương ái cùng nhau chung tay phát triển thôn đi lên xây dựng đời sống văn hóa mới ngày càng phát triển. Ghi nhận những thành tích đó, nhiều năm liên tục khu dân cư Nà Phải luôn được cấp trên khen…”.
Chi bộ thôn Nà Phải có 15 đảng viên và 8 đảng viên sinh hoạt 76, lực lượng đảng viên trong chi bộ luôn nêu cao vai trò gương mẫu trong mọi phong trào, cuộc vận động. Thực tế đã cho thấy, trong các hoạt động thực hiện thắng lợi, đưa bước chuyển được như hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với phát huy chức năng chuyển tải chỉ đạo của cấp trên đến các chi hội, đoàn thể, nhân dân trong thôn nắm được tình hình địa phương. Tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban với cấp trên để phản ánh đúng, trúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Coi trọng việc truyền đạt, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc xây dựng, củng cố các chi hội, đoàn thể trong thôn như chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh vững mạnh, đủ năng lực được chú trọng, phát huy sức mạnh của đoàn viên, hội viên vào các phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những chuyển biến tích cực trong thôn…
Tư tưởng thông thoáng
Trong câu chuyện làm đường, trưởng thôn Dương Văn Thìn chia sẻ: "Tuyến đường hơn 1.500 mét được bê tông như hiện nay không phải thực hiện khi có Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, mà thôn đã được triển khai dần từ thời điểm năm 2006. Cũng chính từ việc đi lại phải qua bờ ruộng, việc tiêu thụ hàng nông sản khó khăn nên thôn đã cùng nhau thống nhất phải làm bê tông dần theo từng năm, nghị quyết được đưa vào quy ước, hương ước vận động, chủ trương được thống nhất thông qua sự bàn bạc của bà con nên mọi người ủng hộ rất cao, nhiều hộ còn nộp tiền trước thời gian quy định. Do chỉ có hơn 40 hộ dân, mà tuyến đường vào thôn dài hơn 1,5 ki-lô-mét tất cả đều đi qua bờ ruộng, các hộ dân trong thôn thống nhất theo cách hết mùa vụ là tập trung vác cuốc, xẻng ra làm đường, qua ruộng hộ nào hộ đó tự nguyện hiến đất, mỗi năm làm một đoạn, mở rộng được nền mặt đường lại tiếp tục đóng góp được hơn 200 triệu đồng tiền mua xi măng, cát sỏi để bê tông, cứ như vậy, đến năm 2015, tuyến đường vào thôn hoàn thành bê tông hóa.
Bà Lương Thị Tỵ, người dân thôn Nà Phải cho biết: Ban đầu nhiều người không tin tuyến đường này sẽ được bê tông, chỉ với hơn 40 hộ dân, hoàn toàn đi qua bờ ruộng, mở rộng con đường hơn 2 mét thì phải giải phóng diện tích đất ruộng ít nhất là gần 1 mét, mà đâu phải qua ruộng của tất cả hơn 40 hộ như nhau, số hộ không có ruộng ảnh hưởng thì nhiều hơn, không có tiền đền bù, thì làm sao gia đình họ chấp nhận.v.v. Thế mà cuối cùng mọi việc đều trôi chảy, không hộ nào thắc mắc. Giờ đây, nhìn tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp, nhiều người trong thôn vẫn ngỡ như một giấc mơ. Hơn bất cứ lúc nào, nhiều hộ trong thôn thầm cảm phục ý thức mình vì mọi người của bà con.
Không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, nhân dân trong thôn hăng hái chung sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
Năm 2016, khi đường đã rộng, đẹp, thôn lại tiếp tục thực hiện kiên cố hóa tuyến kênh mương đi qua dìa làng, tổng chiều dài tuyến hơn 900 m. Tuyến kênh mương này không chỉ phục vụ cho hơn 10 ha ruộng đang canh tác mà còn để xử lý nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình trong thôn. Để thực hiện, bà con trong thôn lại phải hiến hơn 600m2 đất ruộng, vườn, đóng góp hơn 1 nghìn ngày công lao động, huy động thực hiện gấp rút hoàn thành trong hơn 30 ngày...Thế là tuyến kênh mương trị giá hơn 1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ của nhà nước 288 triệu đồng nguồn vốn nông thôn mới.
Trưởng thôn Dương Văn Thìn quả quyết: 10 năm chưa ngừng nghỉ việc đóng góp, hiến đất, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi, nhưng nhân dân trong thôn đã lại tiếp tục tính đến làm nhà văn hóa thôn. Nhà họp thôn cũ hiện đang sử dụng cũng là do bà con đóng góp hơn 50 triệu đồng mua đất, dựng nhà tạm. Nếu được hỗ trợ theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, Nà Phải xác định sẽ tiếp tục đóng góp, ngày công xây dựng nhà văn hóa cho thôn đẹp lên...
Đến Nà Phải hôm nay, cảm nhận không gian ấm áp của tình đoàn kết keo sơn mang lại. Đường bê tông trải dài. Nà Phải đổi mới nhiều, tập thể thôn một lòng đoàn kết, phấn đấu xây dựng nông thôn mới. Những gì làm được ngày hôm nay đều xuất phát từ ý thức, sự chủ động không trông chờ ỷ lại trong mọi hoạt động, sự đoàn kết của các hộ dân trong thôn mà ít nơi có thể làm được. Một năm mới, một mùa xuân mới đến, Nà Phải tự tin về một thắng lợi mới./.
Tùng Vân
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn