Truyền cảm hứng mạnh mẽ từ câu nói: “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, robot “phân tử” được nghiên cứu bởi các nhà khoa học người Mỹ dẫu không có nhiều chức năng khi hoạt động độc lập, nhưng nếu liên kết lại, chúng sẽ có khả năng di chuyển, thậm chí mang theo một số đồ vật dựa trên một cơ chế thú vị.
Được biết, các robot này không hề có bánh xe, hay cấu trúc tay/chân giống như đa số robot khác. Với thiết kế hình tròn giống như các phân tử, nguyên tử, nó chỉ có cơ chế “giãn, nở” vòng tròn của mình theo một nhịp nhất định.
Từ đó, các robot này có thể đẩy hoặc kéo những cá thể khác di chuyển về cùng một hướng. Ngoài ra, khi được kết hợp với nhau, các robot này cũng có thể cùng nhau thực hiện những chức năng phức tạp hơn.
“Chúng ta có những con robot nhỏ như những tế bào, gần như không thể làm gì nếu đơn độc. Tuy nhiên chúng lại có thể làm nhiều điều nếu được kết hợp thành nhóm”, Daniela Rus, người đại diện cho nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ Hoberman Flight Ring - một món đồ dành cho chơi trẻ em có thể mở rộng và co lại, mỗi robot “phân tử” được tạo thành từ các bộ phận thô sơ gồm pin, động cơ, cảm biến ánh sáng, vi điều khiển và một bộ phận cho phép nó gửi và nhận tín hiệu.
Mỗi bộ phận dù khá đơn giản, nhưng bằng cách chạy thử nghiệm với tối đa 24 hạt liên kết, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng robot đơn giản này có thể di chuyển linh hoạt về phía nguồn sáng và đẩy các vật thể xung quanh. Ngoài ra, với các mô phỏng lên tới 100.000 hạt di chuyển cùng nhau, nhóm nghiên cứu cho thấy hệ thống sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả khi mất tới 20% các hạt robot riêng lẻ.
Trong tương lai không xa, mô hình này có thể được ứng dụng để chế tạo các hạt robot nhỏ hơn, và thậm chí có kích thước nano, mang lại giá trị lớn trong các lĩnh vực khoa học, sinh học.
Nguyễn Nguyễn
Theo CNET
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn