Năm 2014, Sony chính thức chia tay thương hiệu máy tính xách tay VAIO sau khi có sự sụt giảm nghiêm trọng, để tập trung toàn bộ vào mảng mobile và PlayStation. Trong đó, smartphone được coi là trung tâm của sự phát triển đối với nhiều hãng công nghệ lớn vì có ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực tiêu dùng khác như thiết bị đeo thông minh, nhà thông minh, xe hơi,... Sony cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên có vẻ như những khó khăn liên miên đã khiến Sony buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh một lần nữa. Hãng điện tử Nhật Bản vừa cho biết sẽ hợp nhất Sony Mobile với các mảng sản phẩm khác bao gồm TV, âm thanh và camera để trở thành một nhóm thống nhất gọi là Giải pháp và Sản phẩm điện tử.
Đại diện Sony cho biết đây là một động thái nhằm tăng cường sự phối hợp giữa những dòng thiết bị điện tử của hãng. Trên thực tế, một vài thế hệ smartphone Xperia cũng từng “vay mượn” thiết kế của các sản phẩm như TV (màn hình) và máy ảnh (ống kính),...
Tuy nhiên dưới con mắt của các chuyên gia, họ cho rằng đây có thể là nỗ lực để che giấu đi những yếu kém từ bộ phận di động của Sony, bằng cách “ghép nhóm” chúng với các nhóm sản phẩm thành công hơn.
Sony Mobile từng gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây, khi hãng chỉ bán được vỏn vẹn 13,5 triệu điện thoại trong năm 2017 và dự đoán là khoảng 7 triệu trong năm ngoái. Điều này dẫn tới hệ quả khiến Sony đón nhận khoản lỗ lên tới 95 tỷ Yên (tương đương 863 triệu USD) trong năm 2018.
Mới đây, Sony thậm chí đã phải đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone của mình tại Trung Quốc nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính, và chuyển mọi hoạt động về nhà máy tại Thái Lan, với mục tiêu là cắt giảm 50% các khoản phí chi tiêu. Hãng tin rằng thương hiệu điện thoại Xperia chỉ có thể bắt đầu có lãi sớm nhất là vào năm 2021.
Được biết, nhóm sản phẩm Xperia đang nghiên cứu để phát triển dựa trên trên kết nối 5G - với không chỉ cho điện thoại mà còn sử dụng cho các sản phẩm khác của Sony.
Khoảng một năm trước, ông Kaz Hirai - bấy giờ vẫn còn là CEO kiêm Chủ tịch Sony cho rằng việc giữ cho bộ phận smartphone còn tồn tại là một bước đi chiến lược nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ các sản phẩm khác của hãng.
Mới đây, ông Kaz Hirai đã chính thức tuyên bố về hưu, song triết lý của ông vẫn được CEO kế nhiệm là Kenichiro Yoshida đặt ra làm tôn chỉ.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn