Khi nghĩ đến Nhật Bản, bạn có thể hình dung ra những tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, tàu siêu tốc cực kỳ hiện đại hay những nhà vệ sinh tự làm sạch. Nhưng song song với đó, Nhật Bản cũng là một đất nước nổi tiếng với sự bảo thủ ở nhiều khía cạnh. Đơn cử như việc các cơ quan chính phủ hiện vẫn sử dụng đĩa mềm hoặc đĩa CD trong việc xử lý thủ tục hành chính, ở vào thời điểm mà tất mọi người trên thế giới thậm chí có thể coi việc lưu trữ đám mây là điều hiển nhiên.
Trong các bộ luật hiện hành của Nhật Bản có rất nhiều điều khoản yêu cầu sử dụng các phương tiện lưu trữ đã lỗi thời. Thậm chí, trong số đó còn có các quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu bằng băng cassette và minidisc (đĩa quang cỡ nhỏ).
Trong nỗ lực chuyển đổi và hoàn thiện chính phủ điện tử, Nhật Bản đang cố gắng loại bỏ công nghệ lưu trữ lỗi thời này. Theo báo cáo của Reuters, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới cuối cùng đã tuyên bố dành chiến thắng trong “cuộc chiến” loại bỏ hoạt động sử dụng đĩa mềm trong hệ thống các cơ quan hành chính công, bằng cách loại bỏ tất cả 1.034 quy định quản lý việc sử dụng loại hình lưu trữ này, đi kém với đó là một bộ quy tắc hạn chế về môi trường liên quan đến việc tái chế phương tiện.
Cơ quan Kỹ thuật số Nhật Bản, được thành lập trong thời kỳ đại dịch COVID-19 để thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Nhật Bản, đã hoàn tất chiến dịch vào giữa tháng trước, sau khi những nỗ lực triển khai thử nghiệm và tiêm chủng trên toàn quốc cho thấy chính phủ Nhật Bản vẫn đang sử dụng công nghệ và hồ sơ giấy tờ lỗi thời.
“Chúng tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến với đĩa mềm vào ngày 28 tháng 6”, Bộ trưởng các vấn đề kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono tuyên bố. Việc sử dụng đĩa mềm lưu trữ dữ liệu sẽ chấm dứt, và dữ liệu sẽ được gửi trực tuyến chẳng hạn như qua các dịch vụ điện toán đám mây.
Đĩa mềm dựa vào bộ lưu trữ từ tính để đọc và ghi dữ liệu. Chúng khá phổ biến trong giai đoạn những năm 1970 và 1990, và chủ yếu được sử dụng để truyền dữ liệu giữa các máy tính không nối mạng.
Công nghệ đĩa mềm bắt đầu thoái trào khi máy tính kết nối internet và các phương thức lưu trữ khác trở nên phổ biến hơn. Năm 1998, Apple trở thành một trong những công ty tiên phong hướng tới một tương lai không có đĩa mềm khi tung ra mẫu iMac G3.
Sự thành công của Apple đã kéo theo hàng loạt công ty công nghệ lớn khác cũng tham gia vào phong trào này trong những năm tiếp theo. Năm 2001, tài liệu nội bộ rò rit tiết lộ Intel muốn ngừng sản xuất ổ đĩa mềm, PC World ngừng cung cấp chúng vào năm 2007, và Sony với khoảng 70% thị trường đĩa mềm 3,5 inch toàn cầu cũng tuyên bố chấm dứt toàn bộ mảng sản xuất, kinh doanh đĩa mềm vào năm 2010
Tuy nhiên, đĩa mềm không phải là nghịch lý duy nhất trong ứng dụng công nghệ tại Nhật Bản. Khi Microsoft chính thức khai tử Internet Explorer (IE) vào hồi tháng 6 vừa qua cũng đã khiến chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản “đau đầu” tìm kiếm giải pháp thay thế bởi một số lượng lớn các tổ chức, cơ quan vẫn đang sử dụng trình duyệt lỗi thời này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn