Ổ SSD có những lợi ích to lớn so với ổ cứng từ tính truyền thống, đó là lý do tại sao nhiều người đang nâng cấp lên giải pháp lưu trữ ưu việt hơn này.
SSD có một vấn đề phổ biến là không được hệ điều hành Windows nhận ra. Nếu đúng như vậy, SSD của bạn có thể không hiển thị trên This PC, File Explorer và Disk Management, mặc dù đã được kết nối đúng cách với máy tính.
Vấn đề này có thể đặc biệt rắc rối khi thiết lập SSD. Hãy đọc bài viết sau để tìm hiểu cách khắc phục sự cố phát hiện SSD trong Windows .
Điều này nghe có vẻ cơ bản nhưng có thể SSD của bạn chưa được lắp đặt đúng cách dẫn đến máy tính không phát hiện được ổ SSD. Việc sửa lỗi có thể khác nhau tùy thuộc vào loại SSD bạn đã cài đặt.
Cũng có thể bạn đã cài đặt SSD đúng cách nhưng PC vẫn không phát hiện ra nó. Vào BIOS bằng phím cụ thể được hiển thị khi PC khởi động, sau đó kiểm tra xem cài đặt BIOS có được cấu hình chính xác để phát hiện ổ SSD mới của bạn hay không.
Trước tiên, hãy kiểm tra xem BIOS có phát hiện được ổ SSD của bạn hay không. Bạn sẽ phải điều hướng đến phần lưu trữ hoặc cấu hình của BIOS, phần này sẽ khác nhau đối với những nhà sản xuất bo mạch chủ khác nhau. Xác nhận xem SSD của bạn có được liệt kê trong danh sách ổ hay không.
Nếu nó không được liệt kê thì ổ bị lỗi hoặc bạn cần thay đổi một số cài đặt bổ sung. Điều hướng lại đến phần lưu trữ trong BIOS và tìm cài đặt liên quan đến cấu hình SATA. Nếu đang chạy SSD SATA, bạn có thể cần thử các tùy chọn khác nhau trong cấu hình SATA: Chế độ AHCI, IDE hoặc Compatibility. Lưu các thay đổi của bạn và khởi động lại máy tính. Kiểm tra xem SSD có hiển thị trong Windows không.
Khi bạn có một ổ SSD mới, bạn cần khởi tạo để sử dụng nó trong Windows 10. Một ổ SSD chưa được khởi tạo sẽ không hiển thị trong File Explorer hoặc tiện ích Disk Management.
Nếu chưa khởi tạo SSD của mình, bạn có thể thực hiện theo một vài bước:
B1: Tìm kiếm Disk Management trong thanh tìm kiếm của menu Start, nhấp chuột phải vào kết quả phù hợp nhất và chọn Run as administrator.
B2: Nhấp chuột phải vào ổ SSD không được phát hiện và chọn Initialize Disk.
B3: Trong hộp thoại Initialize Disk, chọn ổ SSD bạn muốn khởi tạo và chọn kiểu phân vùng.
B4: Nhấp vào OK để bắt đầu quá trình khởi tạo ổ đĩa.
B5: Sau khi hoàn thành bước 4, quay lại Disk Management, nhấp chuột phải vào volume SSD và chọn New Simple Volume.
B6: Làm theo hướng dẫn trên màn hình để gán volume SSD và ký tự ổ đĩa.
Sau khi khởi tạo SSD, bạn nên khởi động lại PC của mình để các thay đổi có thể diễn ra chính xác. Sau khi khởi động lại, Windows 10 sẽ phát hiện ra SSD và bạn có thể truy cập nó thông qua File Explorer.
Một lý do phổ biến khiến Windows 10 không nhận ra SSD là ký tự ổ xung đột hoặc bị thiếu. Bạn có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này bằng cách thay đổi hoặc gán ký tự ổ mới cho SSD trong tiện ích Disk Management.
Để thay đổi ký tự ổ của SSD:
B1: Tìm kiếm Disk Management trong thanh tìm kiếm của menu Start, nhấp chuột phải vào lựa chọn phù hợp nhất và chọn Run as administrator.
B2: Nhấp chuột phải vào ổ SSD và chọn Change Drive Letter and Paths.
B3: Nhấp vào Add nếu ký tự ổ không tồn tại hoặc Change để sửa đổi ký tự ổ hiện có.
B4: Chọn ký tự ổ mới từ menu drop-down và nhấp vào OK để các thay đổi diễn ra.
Sau khi làm theo các bước trên, bạn có thể khởi động lại PC của mình và Windows sẽ nhận dạng SSD. Sau đó, bạn có thể truy cập SSD thông qua File Explorer.
Trước khi chuyển sang các bản sửa lỗi sâu hơn, bạn cần đảm bảo rằng những driver bộ điều khiển thiết bị nhớ đã được cập nhật. Driver lỗi thời có thể khiến thiết bị hoạt động không đúng cách và dẫn đến lý do tại sao Windows không phát hiện ra SSD.
Để cập nhật driver bộ điều khiển thiết bị nhớ:
B1: Khởi chạy Device Manager từ menu Start.
B2: Tìm kiếm Storage controllers và mở rộng nhóm.
B3: Nhấp chuột phải vào bộ điều khiển thiết bị nhớ và chọn Update driver.
B4: Chọn Search automatically for updated driver software.
Windows sẽ tự động cài đặt bất kỳ bản cập nhật nào có sẵn; sau đó bạn có thể khởi động lại PC và mở File Explorer hoặc công cụ Disk Management để kiểm tra xem Windows 10 hiện có phát hiện ổ SSD hay không.
Biện pháp cuối cùng là format ổ SSD để giải quyết mọi xung đột cơ bản. Nhược điểm duy nhất của giải pháp này là bạn sẽ mất tất cả dữ liệu trên ổ nếu ổ bạn vừa cài đặt không phải là ổ mới.
Sau khi đã sao lưu mọi dữ liệu bạn muốn giữ lại, hãy quay lại Disk Management, nhấp chuột phải vào SSD và nhấn vào Format. Đặt tên cho ổ và chọn hệ thống file (NTFS hoạt động tốt với hầu hết mọi người). Chọn kích thước cấp phát mặc định, đánh dấu vào ô bên cạnh Quick format và nhấn OK để bắt đầu quá trình.
Sau khi quá trình format hoàn tất, ổ của bạn sẽ có thể xem được trong File Explorer. Nếu không, hãy khởi động lại máy tính và kiểm tra lại.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn