Chuyện về người đi đầu trong trồng rừng ở Nà Ngà

Chủ nhật - 05/02/2017 20:35

Phóng sự của Tùng Vân

Năm 1992, chia tay cuộc sống phố thị ở Thái Bình, ông Phạm Công Duần cùng gia đình lên Bắc Kạn xây dựng cuộc sống mới tại thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo (Chợ Đồn). Mặc dù chỉ dựa vào đất đồi để sinh sống nhưng với đức tính cần cù, chịu khó bám đất bám rừng, ông Duần đã vươn lên trở thành một tỷ phú từ rừng.

Chuyện về người đi đầu trong trồng rừng ở Nà Ngà
Ông Duần chăm sóc rừng quế.

 

Một thời bươn trải

Để gặp được “lão nông” bận rộn Phạm Công Duần, hẹn đến lần thứ 3 chúng tôi mới gặp được ông giữa buổi trưa. Hỏi về cuộc sống của mình, người đàn ông nhỏ nhắn, rắn rỏi, da ngăm đen trầm tư như để hồi tưởng lại: Những năm đầu, khi người dân Đại Sảo còn coi trồng rừng là việc làm “viển vông”, thì ông Duần đã xác định phải làm giàu từ đất rừng. Ban đầu, ông cũng nghi ngại, thậm chí, tưởng chừng đã đi vào bế tắc. Bởi mấy năm đầu mới lên, gia đình có khai phá được chút ít ruộng cấy lúa, nhưng chỉ canh tác được thời gian ngắn thì người bản địa đến lấy lại vì cho là ruộng ông cha. Trồng rừng thì khi đến tuổi khai thác lại không có đường vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Lo cái ăn còn khó, sao gia đình có thể tự làm được đường lâm sinh. Nhưng rồi ông Duần tự nhủ: Thời thế rồi sẽ khác. Đảng, Nhà nước chẳng bao giờ để dân mãi nghèo khổ, chỉ cần kiên trì, chịu khó sẽ có ngày thành công.

 

Thời kỳ trước, đất rừng bỏ hoang nhiều, ông Duần cùng gia đình miệt mài phát cỏ để trồng rừng. Sau này trồng theo Dự án PAM 5322, mỗi năm gia đình ông Phạm Công Duần lại nhân rộng được thêm nhiều diện tích rừng. Ông tính toán: “Mình không có vốn chỉ có cách khai thác rừng trồng trước, để đầu tư trồng tiếp những diện tích đất tiếp theo”.

Những năm sau này, thấy cây mỡ dễ bị sâu bệnh và giá trị kinh tế không cao, ông Duần lại tìm hiểu, chuyển một phần diện tích sang trồng cây quế. Để được cấp trên đồng ý, ông cũng từng phải chạy đôn chạy đáo để xin xã, huyện chấp nhận. Trồng quế phải đến năm thứ 8 trở đi mới được khai thác dần để bán vỏ, nhưng bù lại cây ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao. Vậy nên, ông vừa chăm sóc những diện tích mỡ đã có, vừa trồng cây quế để “lấy ngắn nuôi dài”. Khi đã có kinh nghiệm, ông Duần tự ươm cây quế giống, vừa để trồng, vừa để bán cho bà con địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình...

Trở thành tỷ phú từ rừng

Hơn 12 giờ trưa, cùng với trưởng thôn Nà Ngà, ông Phạm Công Duần hăm hở dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng hàng chục năm tuổi của gia đình. “Lão nông” tuổi đã ngoài 60 nhưng vẫn rất phong độ. Ai không quen đi rừng, leo núi khó có thể theo kịp được ông. Đến được những cánh rừng quế của ông phải men theo đoạn suối dài, rồi theo tuyến đường tự mở gần 2 ki-lô-mét.

Đến cửa rừng, thấy cánh phóng viên cứ mải miết chụp hình, ông Duần quay lại giục: Khoan hẵng vội quay, cứ đi nữa đã, vào bên trong mới có những cây quế to đẹp. Quả thật, càng đi, những cây quế to đẹp, thẳng tắp càng nhiều. Đồng nghiệp của tôi mải mê chiêm ngưỡng những cây quế to, đẹp, quên cả sự mệt mỏi. Vừa đi, ông Duần vừa chỉ vào những vạt rừng quế nói với chúng tôi: Quế là loại cây trồng lâu năm, khai thác một lần, không có tái sinh. Chính vì vậy, ông tự học ươm cây giống, để sau khi khai thác xong có cây giống trồng dặm luôn, vì thế không có diện tích đất nào bị bỏ không. Trong gần chục héc-ta rừng quế, mỡ của ông có đủ lứa tuổi, khi nào cần chi tiêu là có sản phẩm để bán. Quế dễ bán, giá cả ổn định.

Ông Bùi Đức Cảnh- trưởng thôn Nà Ngà cũng cho biết: Nà Ngà có 71 hộ dân, toàn thôn hiện có khoảng hơn 300ha rừng trồng, chủ yếu là quế và mỡ. Kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ dân ở thôn có tiền tỷ, con em được đi học chu đáo, xây dựng được nhà đẹp. Hộ nhiều có hàng chục héc-ta quế. Những khu đồi  10 năm về trước chỉ toàn cỏ dại, lau lách, giờ đây là những vạt rừng quế, mỡ xanh mướt. Khi khai thác, nhiều hộ ở các thôn lân cận dù không trồng rừng cũng có thu nhập từ việc khai thác thuê cho những chủ rừng Nà Ngà. Nhờ cần cù, chịu khó, Nà Ngà khá lên nhờ phát triển kinh tế từ rừng. Đến năm 2015, hộ nghèo của thôn chỉ còn 2 hộ, góp phần cùng địa phương đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

 

“Chiến dịch” vận động làm đường lâm sinh

 

Không dừng lại ở tình yêu đối với rừng, năm 2014 ông Phạm Công Duần có ý tưởng làm đường lâm. Nghĩ là làm, ông Duần bỏ nhiều ngày công để đến các hộ gia đình có diện tích rừng trồng gần nhau, thuyết phục họ góp tiền, ngày công, hiến đất thuê máy xúc đầu tư làm đường vào khu Khuổi Pẩu, phục vụ việc khai thác rừng.

Chuyện về người đi đầu trong trồng rừng ở Nà Ngà - Ảnh minh hoạ 2
Tuyến đường Khuổi Pẩu hoàn thành năm 2015, từ công sức rất lớn của ông Duần vận động.

 

Một lần nữa, ông Duần lại trở thành người làm việc lạ lùng trong mắt bà con. Họ cho rằng ông “lẩn thẩn”, hằng năm sửa con đường mòn cũ đã khó, nói gì chuyện mở đường rộng vài mét cho xe ô tô. Do đã xác định từ đầu nên ông Duần vẫn kiên trì thuyết phục, giải thích cặn kẽ, lấy ví dụ đã có ở những địa phương khác cho bà con. Sau khi hiểu ra vấn đề, 15 hộ dân đã tự nguyện đồng ý mở đường. Để đoàn kết và công bằng, ông cùng mọi người trong nhóm thống nhất: Hộ có rừng ở xa hơn đóng góp ít hơn hộ gần đường; hộ đã có sản phẩm được khai thác đóng góp nhiều hơn hộ mới trồng chưa có sản phẩm... Thế là tuyến đường gần 2 ki-lô-mét nhanh chóng hoàn thành. Giờ đây, xe ô tô tải có thể vào tận cửa rừng để chở gỗ. Thay vì trước đây khai thác rừng phải vác bằng vai, kéo bằng sức người, thì nay mỗi chuyến xe chở được 3 tấn ngay từ cửa rừng. Riêng làm tuyến đường này, gia đình ông Duần và những hộ khác đã tình nguyện chặt nhiều quế, mỡ; bỏ ra gần 40 triệu đồng riêng tiền thuê xe san ủi.

Điều quan trọng hơn, việc làm gương mẫu của ông Duần đã làm thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm ăn mới của bà con. Từ đó, phong trào làm đường vào khu sản xuất ở Nà Ngà đã được bà con coi trọng. Chính vì vậy, mặc dù chỉ mới thực hiện từ năm 2015, nhưng đến nay, toàn thôn Nà Ngà đã có hàng chục tuyến đường vào khu sản xuất, chiếm tỷ lệ khoảng trên 90% diện tích rừng của thôn. Trưởng thôn Bùi Đức Cảnh không giấu được sự cảm phục: “Mặc dù đã hơn 60 tuổi, nhưng ông Phạm Công Duần không ngại khó, ngại khổ, luôn thực hiện tốt công việc xã hội, gương mẫu đi đầu trong việc trồng rừng và làm giàu từ rừng. Hằng ngày, ngoài việc tham gia công tác xã hội, thực hiện tốt vai trò chi hội trưởng người cao tuổi của thôn, thời gian còn lại ông dành vào việc chăm sóc, bảo vệ những diện tích rừng của mình”.

Chia tay ông Duần, chúng tôi ấn tượng mạnh về “lão nông” rất bình dị, nhưng có trong tay cơ ngơi hàng tỷ đồng từ kinh tế rừng. Rõ ràng khi đã có quyết tâm và gắn bó với kinh tế rừng, rừng sẽ đem lại cuộc sống ấm no bền vững cho người dân./.

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập868
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm793
  • Hôm nay87,550
  • Tháng hiện tại3,413,398
  • Tổng lượt truy cập155,449,002
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây