Bóng đá Việt Nam: Phú quý giật lùi

Thứ tư - 05/04/2017 02:51
Chỉ khoảng 200 – 300 khán giả ngồi lọt thỏm giữa sân Thống Nhất lộng gió trong một trận cầu tại V-League, trong khi các ông chủ đội bóng mãi lo cãi nhau. Các đội tuyển thiếu quyết tâm tại những sân chơi lớn, các nhà quản lý bóng đá vẫn hài lòng. Rốt cuộc thì lỗi nằm ở đâu?

Bóng đá có dấu hiệu thụt lùi so với nhiều môn thể thao khác

Trong khi bắn súng, điền kinh và bơi đã bắt đầu chinh phục những đấu trường rất lớn, hay chí ít là dám đặt chỉ tiêu cao ở các giải tầm châu Á và thế giới, thậm chí hướng đến chỉ tiêu thành tích cụ thể tại Asiad và Olympic, thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ xem các giải tầm châu lục trở lên là sân chơi phụ.

So với bóng đá, tất cả các môn thể thao khác tại Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là khó khăn về kinh tế, về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, điền kinh, bơi hoặc bắn súng vẫn đặt chỉ tiêu rõ ràng cho việc gia nhập trình độ thế giới, trình độ Olympic, ngược lại bóng đá suốt từ SEA Games 1995 đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ về mặt chỉ tiêu.

Cũng không thể nói việc thành công trong bóng đá khó hơn thành công ở các nhóm môn khác, vì chuyện có huy chương tầm châu Á và thế giới đối với các môn cơ bản của phong trào Olympic gồm điền kinh, bơi, hoặc bắn súng là không hề đơn giản, vì tính cạnh tranh cực cao.

Bóng đá Việt Nam: Phú quý giật lùi
Hơn 20 năm sau HCB tại SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam cũng chỉ đặt lại chỉ tiêu... HCB tại SEA Games (ảnh: N.Đ)

Nhưng với các nhóm môn này, đấu trường SEA Games bây giờ đích thực đã trở thành sân chơi “ao làng”. Bằng chứng là Ánh Viên từng chia sẻ cô sẵn sàng đánh đổi vài HCV SEA Games để chỉ nâng được thành tích, tiệm cận với trình độ Olympic.

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm từ SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) vẫn chỉ quanh quẩn với mục tiêu SEA Games. Ở các sân chơi tầm châu lục trở lên đều bị chúng ta nhận định rằng đấy là các sân chơi quá sức.

Dĩ nhiên, thỉnh thoảng trong bóng vẫn có thành công của futsal hay đội tuyển U20. Nhưng với hầu hết mọi nền bóng đá trên thế giới, futsal chỉ là món phụ, chứ không phải là món ăn chính. Còn đội tuyển U20 chỉ là bước đệm (riêng với bóng đá Việt Nam thành công của đội này cũng chưa chắc mang tính liên tục), chứ không phải là thước đo sức mạnh của một nền bóng đá.

Thước đo đấy là đội tuyển quốc gia, trong khi chỉ tiêu thành tích dành cho đội tuyển hiện khá dễ dãi. Chúng ta dễ dãi ngay cả ở những sân chơi chính thức như vòng loại Asian Cup, trước những đối thủ vốn không có tên tuổi trên bảng đồ bóng đá thế giới.

Nói bóng đá giàu hơn nhưng kém hơn nhiều môn thể thao khác là vì vậy. Thay vì vạch ra những lộ trình xa để tấn công vào các đấu trường lớn như Thái Lan vẫn làm, các môn thể thao khác ở trong nước bây giờ cũng làm, thì những người quản lý bóng đá toàn chọn những mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện hơn như SEA Games, hòng có thành tích để báo cáo trong những dịp tổng kết vào cuối năm, cuối nhiệm kỳ.

Những khán đài trống trơ tại V-League

Và phần chân đế cho đội tuyển quốc gia chính là giải quốc nội. Giải quốc nội phải mạnh, phải bền vững thì đội tuyển mới ổn định. Và giải quốc nội đấy đang càng ngày càng đáng báo động về tính hấp dẫn, về chất lượng chuyên môn và về số lượng người xem.

Bóng đá Việt Nam: Phú quý giật lùi - Ảnh minh hoạ 2
Trận đấu giữa Sài Gòn FC gặp Long An trên sân Thống Nhất đón lượng khán giả thấp kỷ lục: Chỉ khoảng 200 - 300 người (ảnh: Trọng Vũ)

Số lượng khán giả phản ánh sức sống của một nền bóng đá, phản ánh mức độ hài lòng của người hâm mộ dành cho chất lượng của nền bóng đá ấy. Nhưng ngặt nỗi, khán giả đang ngày càng thưa thớt trên các sân cỏ cả nước.

Khi đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với Trung Hoa Đài Bắc trên sân Hàng Đẫy, đội tuyển đối diện với nguyên cả khu vực khán đài B, C, D vắng người. Còn tại V-League, chỉ khoảng 200 – 300 người lọt thỏm giữa sân Thống Nhất lộng gió, với sức chứa lên đến 2 vạn người. Thử hỏi những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có xót xa không?

Và thay vì dành thời gian để tìm phương án nâng chất lượng chuyên môn, tìm phương án để đưa khán giả trở lại sân, những người công tác quản lý CLB lại sa vào những tranh cãi, tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố khách quan khi đứng trước kết quả bất lợi cho mình.

Trong khi đó, những nhà quản lý nền bóng đá bất lực trong việc chấn chỉnh chất lượng của giải đấu, bất lực trong việc chấn chỉnh chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng”, khiến cho niềm tin của người xem mỗi lúc một vơi dần.

Câu trả lời của khán giả dành cho tình trạng vừa nêu cũng đã rõ, những đội bóng bị cho là cùng sở hữu của 1 ông bầu (bầu Hiển) chính là những đội vắng khán giả nhất. Trước đây có Hà Nội FC, giờ có thêm Sài Gòn FC, rồi tiếp nữa là SHB Đà Nẵng đang phải đối diện với lượng người xem thấp kỷ lục.

Khán giả vắng, chất lượng của giải đấu không cao, chất lượng của đội tuyển đang bị đặt dấu hỏi, lộ trình thoát ra khỏi “ao làng” khu vực đang đứng trước thách thức, đấy đều là những vấn đề cần đến khâu định hướng của những nhà quản lý nền bóng đá? Vốn cũng đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng quản lý?

Bóng đá Việt Nam: Phú quý giật lùi - Ảnh minh hoạ 3

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập513
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm410
  • Hôm nay113,622
  • Tháng hiện tại3,642,961
  • Tổng lượt truy cập155,678,565
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây