Bài 2: Định hướng phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thứ tư - 14/10/2020 07:23
Toàn tỉnh hiện có hơn 417.500ha đất lâm nghiệp, chiếm 86% diện tích tự nhiên, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng gần 372.000ha. Cùng với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tỉnh ta xác định tập trung phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương, theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Toàn tỉnh hiện có hơn 417.500ha đất lâm nghiệp, chiếm 86% diện tích tự nhiên, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng gần 372.000ha. Cùng với việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương, theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Bài 2: Định hướng phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Chế biến gỗ tại Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc, Khu công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới).

Tiềm năng phát triển kinh tế rừng

Hiện nay, nhiều diện tích rừng trồng của người dân trong tỉnh đã đến kỳ khai thác. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh khai thác 250.000m3 lâm sản các loại, tương đương từ 2.500 - 3.000ha rừng. Khối lượng khai thác gỗ rừng trồng ngày càng tăng không chỉ góp phần tăng thu nhập và khuyến khích được người dân tích cực tham gia trồng rừng, mà còn là cơ hội để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế từ rừng.

Để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ gỗ, cùng với mở rộng diện tích trồng rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, hằng năm, tỉnh cụ thể hóa nghị quyết bằng việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn trồng các loài cây phù hợp với từng điều kiện địa phương, trong đó ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng cường đa dạng sinh học và khả năng phòng hộ của rừng; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất bán dăm gỗ, sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu...

Từ thực tế cho thấy, tỉnh Bắc Kạn có nhiều ưu điểm để phát triển kinh tế từ rừng như quỹ đất rừng sản xuất lớn để trồng rừng nguyên liệu, gỗ cung cấp ổn định cho công nghiệp chế biến. Mặt khác, với vị trí trung tâm của vùng Đông Bắc, giao thông thuận tiện, có thể lấy Bắc Kạn làm vùng tập trung cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, hạn chế cung ứng nguyên liệu thô để tăng giá thành và lợi nhuận trong sản xuất. Tỉnh cũng đang tích cực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng, phấn đấu trở thành một trong những vùng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm gỗ khai thác từ rừng trồng cơ bản xuất thô ra thị trường ngoài tỉnh. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 354 cơ sở (40 tổ chức, doanh nghiệp và 314 hộ kinh doanh cá thể) đăng ký kinh doanh chế biến gỗ và lâm sản với công suất đăng ký là 241.512m3 gỗ,  9.460 tấn lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 222 cơ sở đang hoạt động (gồm 18 tổ chức và 2.204 hộ kinh doanh cá thể - bao gồm cả các cơ sở hoạt động không thường xuyên), với công suất chế biến (theo đăng ký kinh doanh) là 210.883m3 gỗ, 5.740 tấn lâm sản ngoài gỗ.

Nhìn chung, các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến sâu còn hạn chế, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế gỗ công nghệ cao, quy mô lớn; sản phẩm gỗ sau khai thác chủ yếu là chế biến thô hoặc tiêu thụ gỗ tròn. Các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản khá phát triển, nhưng chủ yếu là các xưởng bóc ở quy mô hộ gia đình.

Nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp

Giai đoạn 2020 - 2025, trong quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh xác định tập trung phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn tập trung tạo vùng nguyên liệu bền vững thông qua trồng lại rừng tập trung sau khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc thâm canh rừng, phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 đưa diện tích rừng trồng của toàn tỉnh đạt 100.000ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500 - 6.500ha/năm, với trữ lượng khoảng 700.000 - 900.000m3/năm, sản xuất ra 300.000m3 sản phẩm. Sau khi khai thác thì tiến hành trồng lại rừng sau khai thác, trong đó cố gắng khoảng 1/3 diện tích này trồng theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn. Các diện tích trồng rừng tập trung nguyên liệu cho chế biến phấn đấu 40% có chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc chứng chỉ FSC (FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan). Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân hiện nay, tập trung phân vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ theo định hướng phát triển loài cây chính là keo các loại, cây mỡ, các loài cây phù trợ như: Lát, trám, xoan, quế, hồi, sao (tông dù), thông… để tạo ra được vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ công tác chế biến.

Mục tiêu đối với sản phẩm gỗ trong giai đoạn 2020 - 2025 là 100% sản phẩm khai thác rừng trồng phải có truy xuất nguồn gốc theo quy định; trên 50% diện tích cây keo và 30% diện tích cây mỡ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 100% sản lượng khai thác gỗ keo và mỡ phải được chế biến tại địa phương.

Đối với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, giai đoạn này, tỉnh tập trung chuyển đổi Khu công nghiệp Thanh Bình thành khu chế biến gỗ tập trung và mở thêm cụm công nghiệp chế biến tại xã Quảng Chu (Chợ Mới), trong đó thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có công nghệ, thiết bị đồng bộ để tập trung chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mở rộng các xưởng chế biến gỗ tại phía Nam huyện Chợ Đồn; hình thành khu công nghiệp chế biến gỗ tại khu vực xã Hà Hiệu (Ba Bể), xã Bằng Vân (Ngân Sơn). Ngoài ra, tại các địa phương tiến hành rà soát và duy trì một số xưởng gỗ bóc để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ván ép và các xưởng gỗ dăm để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ván ép MDF, đồng thời tận thu toàn bộ các sản phẩm dư thừa, vỏ cây, mùn cưa, ván hỏng cung cấp cho nhà máy tạo viên nén xuất khẩu; khuyến khích các xưởng chế biến mộc làm hàng thủ công mỹ nghệ và sản xuất hàng tiêu dùng, đồ dùng gia đình như hiện có trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả thực hiện và định hướng về phát triển kinh tế rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, việc phát triển kinh tế từ rừng tỉnh ta trong thời gian qua không chỉ tạo việc làm cho hàng chục nghìn hộ gia đình, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cho người dân trồng rừng. Còn đưa độ che phủ rừng của tỉnh cao nhất cả nước, qua đó đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung./.

 

Tác giả: Việt Bắc

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập631
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm142
  • Khách viếng thăm488
  • Hôm nay99,822
  • Tháng hiện tại3,783,172
  • Tổng lượt truy cập155,818,776
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây