Phát huy truyền thống cách mạng xây dựng Ba Bể ngày càng phát triển

Thứ ba - 31/03/2020 17:19
Ba Bể là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện đã chung sức thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển.

Ba Bể là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện đã chung sức thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển.

Bề dày lịch sử cách mạng

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Ba Bể, ngày 23-3-1945, Châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng. Ngày 24-3-1945, đồng bào từ các xã lân cận cùng lực lượng tự vệ đã kéo về châu lỵ tham dự buổi mít tinh trọng thể của Giải phóng quân tổ chức để chào mừng châu lỵ được giải phóng. Trước tình hình phát triển mới và hết sức thuận lợi của cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập chính quyền cách mạng ở châu Chợ Rã. Ngày 30-3-1945, Ủy ban nhân dân lâm thời châu Chợ Rã được thành lập. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Phát huy truyền thống cách mạng xây dựng Ba Bể ngày càng phát triển
 Một góc thị trấn Chợ Rã hôm nay.

Ngay sau khi thành lập, tổ chức Đảng, chính quyền đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nêu cao tinh thần cách mạng, vượt qua gian khổ, hy sinh, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, góp phần giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày 06- 01-1946, nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã sôi nổi tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Ủy ban nhân dân huyện Chợ Rã chính thức được thành lập.

Sự kiện trên củng cố những thành quả của Cách mạng tháng Tám, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân Chợ Rã. Đảng bộ, chính quyền châu Chợ Rã lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc vận động tiễu phỉ (1947 - 1954), củng cố chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá giáo dục, ra sức đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã đã góp công đánh bại quân Pháp tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ các cơ quan Trung ương và tỉnh, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đến thắng lợi vẻ vang. Đại thắng Mùa xuân năm 1975 kết thúc sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Chợ Rã bắt tay vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 1978, huyện Chợ Rã sáp nhập vào tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1984, huyện Chợ Rã đổi tên thành huyện Ba Bể. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập, huyện Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Ba Bể là huyện lớn và đông dân nhất của tỉnh Bắc Kạn với 26 đơn vị hành chính. Ngày 28-5-2003, Chính phủ ban hành Nghị định 56/NĐ-CP tách huyện Ba Bể thành hai huyện Ba Bể và Pác Nặm.

Phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế  

Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, diện mạo Ba Bể ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thân của nhân dân các dân tộc được nâng cao. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện ngày càng được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng.

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong đó, về phát triển kinh tế, tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2019 đạt trên 30 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người trên 590kg/người/năm, thu ngân sách trên 30 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, có hiệu quả. Đến hết năm 2019 toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung toàn huyện đạt 11,3, tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2020 có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 11,8 tiêu chí.

Về sản phẩm OCOP, toàn huyện có 16 sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao, như bí xanh thơm của HTX Yến Dương, HTX Thanh Đức; Trà HTX Lê Hà, Mỹ Phương; gạo Nếp tài HTX Yến Dương; lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao HTX Nhung Lũy; miến dong Triệu Thị Tá; rượu suối nguồn Nà Hai của HTX Phúc Ba, xã Quang Khê… Về du lịch, dịch vụ đã có sự quan tâm đầu tư đáng kể gắn với việc quảng bá, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, kết hợp các loại hình du lịch thắng cảnh và du lịch tâm linh thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch năm sau cao hơn năm trước, trong đó có nhiều lượt khách quốc tế.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, với trên 300 tỷ đồng vốn đầu tư từ năm 2015 - 2019; diện mạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào ở thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa có sự cải thiện rõ rệt. Đến nay 16/16 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, với 95% số hộ dân được sử dụng điện. 100% xã và nhiều thôn bản có đường ôtô đến trung tâm, có 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ số hộ gia đình được nghe đài và xem truyền hình đạt 96,8%; 100% xã, thị trấn có điện thoại liên lạc thông suốt, cơ bản các thôn đã phủ sóng điện thoại di động; 100% số phòng học được xây từ bán kiên cố trở lên; 13/16 xã, thị trấn có trụ sở được xây dựng kiên cố, hiện nay còn 03 xã còn trụ sở bán kiên cố (Đồng Phúc, Chu Hương, Nam Mẫu) sẽ khởi công xây dựng trong năm nay.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển, công tác giáo dục, đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Đến nay toàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Số trường học đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện là 14 (tăng 11 trường so năm 2015). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm chú trọng.

Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả và thu được những kết quả đáng kể. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020, giảm từ 3.956 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 34,04% (Năm 2016) xuống còn 2.753 hộ, chiếm tỷ lệ 22,96% (năm 2019), tương đương cả giai đoạn giảm được 11,08%, bình quân mỗi năm giảm được 2,77%.

Đồng chí Bùi Thị Hoa- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Đến nay, hệ thống chính trị trong toàn huyện luôn được quan tâm xây dựng và củng cố. Công tác tư tưởng luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên, nhất là từ khi thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Phát huy thành tích đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết, nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt, toàn huyện tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng./.

PV

 

 

 

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây