Đến nay, Đảng bộ xã Công Bằng (Pác Nặm) đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, khoá XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, kinh tế - xã hội duy trì ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được củng cố; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các Hội, đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân từng bước được nâng lên.
Phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Công Bằng khoá XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Công Bằng đã chú trọng đầu tư thâm canh, trồng một số loại cây có giá trị, phù hợp với địa phương; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đến nay đã cơ bản thực hiện đầu tư theo vùng.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, tỉnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, kết hợp xây dựng các mô hình sản xuất thông qua chương trình khuyến nông - khuyến lâm; các chương trình, dự án, qua đó đạt bước chuyển tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hệ số sử dụng đất nông nghiệp tăng dần qua các năm, sản xuất nông nghiệp phát triển năm sau cao hơn năm trước, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Mùa lúa chín ở thôn Phiêng Luông, xã Công Bằng. |
Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các Chương trình 30a, 135, CSSP... Công Bằng đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng như: Xây dựng trường, lớp học, đường giao thông nông thôn, thủy lợi, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, với tổng vốn hơn 8 tỷ đồng; huyện làm chủ đầu tư 20 công trình, tổng vốn hơn 14 tỷ đồng.
Đặc biệt, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đã triển khai hỗ trợ người dân mua trâu, bò, dê để chăn nuôi theo hình thức sinh sản, vỗ béo; hỗ trợ phân bón, giống cây ăn quả và mua máy nông cụ phục vụ sản xuất. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện, các tổ vay vốn của xã đã đứng ra tín chấp gần 20 tỷ đồng cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay nhiều hộ đã phát huy được nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập.
Với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và phát huy nội lực; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của người dân, đến nay xã Công Bằng đã đạt một số kết quả như: Lương thực bình quân đầu người đạt 586kg/người/năm; công tác trồng rừng từ năm 2015 đến năm 2019 đã trồng mới được trên 125ha, đạt 167% nghị quyết đề ra. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng thực hiện, với 07 lớp đào tạo và đã có gần 200 lượt người được giải quyết việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đạt trên 120% mục tiêu nghị quyết đề ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo...
Hướng tới xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, xã Công Bằng đặt ra mục tiêu chung là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung chỉ đạo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, chăn nuôi - thủy sản gần 80%; tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt trên 20%. Đến năm 2025, thu ngân sách đạt 200 triệu đồng trở lên, chi ngân sách Nhà nước đảm bảo đúng, đủ theo quy định; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; duy trì tổng sản lượng lương thực (lúa, ngô) đạt từ 1.900- 2.000 tấn, bảo đảm an ninh lương thực; diện tích chuyển đổi từ đất lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế đạt 30ha; thực hiện được 35ha đạt 100 triệu đồng/ha trở lên; tổng đàn gia súc trâu, bò, ngựa đạt 1.800 con; đàn lợn đạt 4.000 con…
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Công Bằng tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết đã và đang hình thành đi vào chiều sâu, phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tích cực hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng các loại hình liên kết với doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi diện tích đất lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; tranh thủ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng và nhân rộng các các mô hình diện tích thu đạt 100 triệu đồng/ha trở lên; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung thành gia trại, trang trại, làm tốt công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; đảm bảo tăng trưởng ổn định đàn gia súc, gia cầm./.
Tác giả: Văn Lạ
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn