Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngân Sơn đã đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Nhiều tuyến đường vào các thôn bản trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã được kiên cố hóa. |
Vùng quê giàu truyền thống cách mạng
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Ngân Sơn, dưới thời thực dân Pháp đô hộ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ. Vì lẽ đó, người dân đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1943, tại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân đã thành lập được Chi bộ Chí Kiên - chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Tiếp đó các phong trào cách mạng phát triển mạnh, công tác xây dựng các đội tự vệ chiến đấu được đặc biệt được coi trọng. Năm 1944, đứng trước phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên cả nước đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực đi đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đầu năm 1945, một bộ phận của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được điều về hoạt động và gây cơ sở ở Ngân Sơn. Đoàn quân đã được nhân dân các dân tộc nồng nhiệt chào đón. Phong trào cách mạng ở Ngân Sơn như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, hàng trăm thanh niên địa phương hăng hái, tình nguyện gia nhập Đội và các đơn vị tự vệ chiến đấu. Lực lượng cách mạng Ngân Sơn có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thực hiện chỉ thị của cấp trên, các đội tự vệ chiến đấu của các địa phương trong toàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh vũ trang, diệt ác, trừ gian, binh vận và các hình thức đấu tranh chính trị khác trên toàn địa bàn.
Đến tháng 3/1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các xã trong huyện. Với tinh thần chủ động tiến công địch trên các mặt, quân và dân Ngân Sơn không những đã bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ ở từng cơ sở mà còn thúc đẩy phong trào cách mạng trên toàn huyện chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn về chất lượng, góp phần xứng đáng cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đồng bào cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân huyện Ngân Sơn tiếp tục đóng góp nhiều sức người, sức của, góp phần cùng nhân dân cả nước thống nhất giang sơn, thu non sông về một mối.
Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, huyện Ngân Sơn đã và đang có những khởi sắc về mọi mặt. Từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong xuất nông nghiệp, huyện đã tạo bước đột phá cả về diện tích, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nếu như năm 1997 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực cả năm của huyện mới đạt khoảng 2.700ha thì năm 2019 đã tăng trên 4.000ha; tổng sản lượng lương thực bình quân tăng từ 7.760 tấn lên 17.414 tấn năm 2019; diện tích đất canh tác đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha là 850ha. Hiện trên địa bàn có hàng trăm héc-ta cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như hồng không hạt, lê, dẻ… mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Nhờ chú trọng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định. |
Trong những năm qua, Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển đàn gia súc, gia cầm thông qua các đề án, chương trình hỗ trợ. Công tác quản lý, phát triển rừng luôn được chú trọng, hằng năm huyện trồng mới được hàng trăm héc-ta rừng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ bản được quan tâm, hệ thống đường giao thông do huyện quản lý được đầu tư, cải tạo. Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được đầu tư đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Các dự án điện nông thôn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Đến nay 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 87,7% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95,5% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Phong trào xây dựng nông thôn mới được quan tâm, hằng năm các xã đều đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí; đến năm 2019 xã Vân Tùng đã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2020 huyện có thêm một xã đạt chuẩn; các xã còn lại bình quân đạt 9 tiêu chí, phấn đấu hết năm 2020 bình quân đạt 11 tiêu chí/xã, qua đó góp phần đổi mới diện mạo nông thôn các địa phương.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội của Ngân Sơn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ huy động học sinh các bậc học đều đạt trên 98%; học sinh được công nhận hoàn thành chương trình bậc Tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp THCS đạt trên 99%; tốt nghiệp THPT bình quân hằng năm đạt 90,30%; 4/30 trường học đạt chuẩn quốc gia; phong trào "Khuyến học - khuyến tài" tiếp tục được phát triển sâu rộng. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện; đến nay 11/11 trạm y tế xã có bác sĩ; 173/174 thôn bản có nhân viên y tế; 11/11 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đạt được hiệu quả thiết thực. Đến năm 2020, huyện có 86,9% hộ được công nhận Gia đình văn hóa; 81,8% thôn, khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa; 93,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Phát triển kinh tế được gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm 3,9%, xuống còn 34,29%. Công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm, hằng năm có trên 500 lao động nông thôn được học nghề và có việc làm.
Thực hiện tốt các chính sách với người có công với cách mạng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và giữ vững, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn Đảng bộ làm tốt công tác xây dựng Đảng, tạo bước chuyển biến tích cực trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ một chi bộ ban đầu được thành lập cách đây 77 năm với 3 đảng viên, đến nay toàn huyện Ngân Sơn đã có 3.274 đảng viên, sinh hoạt ở 42 tổ chức cơ sở Đảng, 205 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên. Qua đánh giá xếp loại hằng năm, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngân Sơn luôn đạt trên 87%. Hệ thống chính trị ở các cấp được củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung 4 (khoá XI) được triển khai sâu rộng, góp phần làm chuyển biến về nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ngân Sơn quyết tâm tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.
Tác giả: Lý Dũng
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn