Xứng danh lính tầm nã miền Đông Nam Bộ

Thứ ba - 19/06/2018 03:16
Bình Dương là địa bàn giáp ranh nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Đông Nam Bộ và có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nên số dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác đến làm việc, sinh sống rất lớn, kéo theo số đối tượng hình sự, đang bị truy nã tập trung về đây khá nhiều.


Riêng số đối tượng truy nã (ĐTTN) chiếm đến 80% là ở các tỉnh khác đến, gây nhiều khó khăn cho công tác truy nã. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm rình rập, thời gian qua, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Bình Dương đã lập nhiều chiến công, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Trốn truy nã gần 30 năm

Theo Thượng tá Đỗ Văn Quang, Phó trưởng Phòng PC52, Công an tỉnh Bình Dương, có đến 80% đối tượng trong danh sách truy nã là người ngoài tỉnh, trong đó các đối tượng bị truy nã từ các tỉnh bỏ trốn khỏi địa phương, lợi dụng địa bàn đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp của Bình Dương và các địa bàn phức tạp, vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành để lẩn trốn.

Xứng danh lính tầm nã miền Đông Nam Bộ
Thượng tá Đỗ Văn Quang, Phó trưởng Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương.

Do đó, công tác phòng chống, đấu tranh, truy nã đối với các loại tội phạm là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Cũng theo Thượng tá Đỗ Văn Quang, số lượng cán bộ, chiến sĩ của Phòng PC52 khá mỏng, nhưng nhờ hầu hết cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi cùng kinh nghiệm nhiều năm trong công tác điều tra trinh sát, truy nã tội phạm nên công tác truy tìm và truy bắt ĐTTN hằng năm đều đạt được kết quả cao và vượt chỉ tiêu đề ra.

"Những đối tượng bị truy nã phần lớn là người ngoài tỉnh, sau khi gây án, chúng tìm đến Bình Dương để lẩn trốn. Tuy nhiên, do nắm được quy luật hoạt động của tội phạm truy nã, các trinh sát kiên trì theo dõi, nắm tình hình, khi xác định rõ đối tượng sẽ tổ chức vây bắt.

Chính vì thế mà nhiều đối tượng trốn truy nã đến 20 - 30 năm vẫn bị các trinh sát phát hiện và bắt giữ", Thượng tá Đỗ Văn Quang cho biết.

Trực tiếp làm công tác truy bắt ĐTTN, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến, Đội Truy bắt đối tượng về TTXH (Đội 2), Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương, là gương nổi bật của Phòng PC52 vì nhiều năm qua lập được rất nhiều chiến công xuất sắc (năm 2017, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND).

Thiếu tá Lê Hữu Tuyến cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Đội 2 đã truy bắt được tổng cộng 57 ĐTTN, trong đó có 33 đối tượng nguy hiểm (NH) và đặc biệt nguy hiểm (ĐBNH).

Và trong 33 đối tượng này thì có 10 đối tượng ĐBNH đã được Công an Bình Dương và Công an các tỉnh, thành trên cả nước xác lập chuyên án truy xét để truy bắt (8 chuyên án của Công an các tỉnh thành, 2 chuyên án của Công an Bình Dương xác lập).

Trong số 8 chuyên án của Công an các tỉnh, thành nhờ sự hỗ trợ, phối hợp truy bắt ĐTTN của Công an tỉnh Bình Dương trong thời gian gần đây, có 6 đối tượng trốn truy nã trên 10 năm. Và trong nhiều chuyên án gần đây, nổi lên hai chuyên án rất đáng chú ý

Cụ thể, ngày 9-5, tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương, tổ công tác Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương và Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Định đã phối hợp bắt giữ đối tượng Trần Luông (SN 1959, ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) bị truy nã về hành vi trốn khỏi nơi giam giữ.

Trước đó, năm 1991, Luông bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai Kon Tum (cũ) tuyên phạt 7 năm tù về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Và khi đang chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an, đóng tại huyện Mang Yang, Gia Lai), Luông đã trốn trại.

Từ đó, Luông mang lệnh truy nã lẩn trốn suốt 27 năm qua. Điều đặc biệt là trong ngần ấy thời gian, Luông đã thay tên đổi họ, lập gia đình, cưới vợ sinh con, nhưng cuối cùng Luông vẫn bị truy tìm, bắt giữ về quy án.

Năm 1992, sau khi trốn trại, Luông về TP Quy Nhơn, Luông lấy tên giả là Nguyễn Văn Minh, rồi lấy vợ (người Bình Định, không đăng ký kết hôn), sinh được ba người con.

Tại đây, Luông làm rất nhiều nghề như làm rẫy, làm nghề đi biển dọc các tỉnh miền Trung… Cuộc sống cứ thế trôi qua tưởng chừng không ai biết gì về quá khứ của Luông.

Tuy nhiên, với các cán bộ làm công tác truy nã thì họ vẫn luôn bằng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm mọi dấu vết của tội phạm. Điều đáng nói là khi cơ quan Công an tìm ra nơi ở của Luông ở Quy Nhơn thì mới biết cách đây một thời gian ngắn Luông đã đưa vợ và hai con vào Bình Dương sinh sống (con gái đầu đã có gia đình ở Quy Nhơn).

Sau khi biết được thông tin này, ngày 6-5, tổ công tác của Trại giam Gia Trung và Phòng PC52 Công an Bình Định đã vào Bình Dương nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng PC52 Công an Bình Dương để truy bắt.

Để có thể khoanh vùng và nhận diện được khu vực ĐTTN đang có mặt, các trinh sát đã phải xuống địa bàn phường Bình Hòa, thị xã Thuận An để tìm hiểu, xác minh; trong đó có việc xem hàng nghìn hồ sơ đăng ký tạm trú, tạm vắng ở trụ sở Công an phường Bình Hòa khá vất vả…

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng tổ công tác cũng phát hiện ra Luông (Nguyễn Văn Minh), làm thợ hồ nhưng nhận cả công trình để thi công, đang ở khu vực cầu Ông Bố, phường Bình Hòa. Kế hoạch giăng lưới bắt gọn Luông được đưa ra một cách cụ thể, với nhiều phương án tác chiến.

Xứng danh lính tầm nã miền Đông Nam Bộ - Ảnh minh hoạ 2
Cơ quan điều tra đang khám nghiệm hiện trường tại tiệm vàng bị nhóm của Dương Văn Lộc cướp ở thị xã Tân Uyên.

Thiếu tá Lê Hữu Tuyến là người trực tiếp tiếp xúc và bắt giữ Luông, kể lại rằng hôm đó, tại quán cà phê mà buổi sáng Luông thường ghé vào trước khi đi làm, khi thấy một người đàn ông khá cao tuổi vào ngồi gọi cà phê, nghe chất giọng của ông ta, các trinh sát nhận định nhiều khả năng đây là đối tượng cần tìm.

Sau một hồi nghe người đàn ông nói chuyện với mấy người trong quán về công việc xây dựng… lúc đó do đã bàn tính trước, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến đã đóng giả là một người đang cần tìm người thi công công trình qua ngồi nói chuyện với Luông như một cách tình cờ. Và qua cuộc trò chuyện đó, tổ công tác đã nhận định chắc chắn đây là ĐTTN cần tìm.

Và cũng như một chuyện bình thường, Thiếu tá Lê Hữu Tuyến đã mời Luông ra xe để xem chi tiết bản đồ cũng như các hạng mục của công trình. Luông vui vẻ đi theo vì không hề biết rằng mình đã bị phát hiện tung tích. Và chỉ khi đối tượng ra khỏi quán, tổ công tác mới đọc lệnh bắt giữ Luông.

Nỗ lực vượt khó khăn 

Một ĐTTN ĐBNH khác là Dương Văn Lộc (31 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mang tội "Cướp tài sản" (cướp tiệm vàng ở thị xã Tân Uyên) cũng đã bị các trinh sát PC52 Công an Bình Dương truy bắt được trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh sau hơn 2 năm lẩn trốn, vào ngày 11-2-2018.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 28-1-2016, Lộc cùng đồng bọn là Nguyễn Văn Hoàng (27 tuổi, quê tỉnh Cà Mau), Nguyễn Văn Vũ Thêm (27 tuổi, thường trú Tiền Giang) và Nguyễn Thanh Hà (30 tuổi, thường trú Bình Dương) rủ nhau cướp tiệm vàng Huỳnh Hoa 5 (thị xã Tân Uyên).

Thực hiện ý định, các đối tượng mang găng tay, đeo khẩu trang, đội mũ bước vào tiệm vàng, dùng búa đập nhiều phát vào tủ trưng bày và lấy đi nhiều trang sức bằng vàng rồi tẩu thoát. Thời gian chúng thực hiện hành vi cướp tiệm vàng chỉ diễn ra chưa đầy 1 phút.

Chủ tiệm vàng ngay lập tức trình báo vụ việc với lực lượng chức năng. Nhận tin báo, Công an thị xã Bến Cát phối hợp Công an tỉnh Bình Dương ráo riết vào cuộc điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Dương đã giữ các nghi can là Thêm, Hà, Hoàng.

Tòa sau đó đã đưa ra xét xử, tuyên phạt đối tượng Hà 11 năm tù; Hoàng 12 năm 6 tháng tù và Thêm 11 năm 6 tháng tù cùng về tội Cướp tài sản. Riêng Dương Văn Lộc bỏ trốn.

Ngày 29-9-2016, cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Lộc. Ngay sau đó, Phòng PC52 Công an Bình Dương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng sử dụng một số biện pháp tiến hành xác minh, truy bắt Lộc ở nhiều địa bàn có liên quan như xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp nhưng vẫn không bắt được Lộc.

Qua nghiên cứu tài liệu về thủ đoạn gây án của Lộc, các trinh sát Phòng PC52 nhận thấy đây là ĐTTN ĐBNH và đã có tiền án, do đó cần phải có kế hoạch để tập trung lực lượng tổ chức xác minh truy bắt Lộc.

Và sau khoảng thời gian hơn hai năm, bỏ ra rất nhiều công sức, tới 11-2-2018 các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện và bắt giữ được Lộc khi hắn đang lẩn trốn ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh…

Bên cạnh việc âm thầm theo dõi, truy tìm, bắt giữ đối tượng trốn truy nã, Phòng PC52 Công an Bình Dương còn luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng vận động, thuyết phục những đối tượng trốn truy nã ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo Thượng tá Đỗ Văn Quang, trên thực tế việc vận động là một quá trình khó khăn, phức tạp.

Từ việc xác minh các mối quan hệ, nhân thân đối tượng đến áp dụng các biện pháp tác động sao cho phù hợp đòi hỏi các trinh sát phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng… Cho đến nay, qua công tác vận động, Phòng PC52 đã vận động được nhiều đối tượng bị truy nã ra đầu thú. 

Theo số liệu mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2018, kết quả công tác truy nã (tính cả số cũ chuyển sang - tính đến ngày 15-11-2017) là 295 quyết định truy nã, trong đó có 27 NH  và 17 ĐBNH.

Thượng tá Đỗ Văn Quang cho rằng, để có được những kết quả trên là nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn của cả tập thể cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng PC52 Công an Bình Dương trong công tác truy nã. Bởi khi thi hành công vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52 phải xa gia đình hàng tháng trời để lần theo dấu vết tội phạm đang lẩn trốn.

Ngoài ra, còn gặp rất nhiều nguy hiểm, vất vả khi truy nã tội phạm… Tuy nhiên, với trọng trách đã được giao phó, hầu hết các nhiệm vụ đều được cán bộ, chiến sĩ PC52 hoàn thành xuất sắc.

Đơn cử như Thiếu tá Lê Hữu Tuyến, trong một chuyến công tác truy nã tội phạm, anh đã bị té xe gây thương tích nặng, khiến anh bị cắt mất lá lách. Hoàn cảnh gia đình anh cũng rất khó khăn, vợ bỏ đi khi đứa con còn quá nhỏ, nhiều năm nay anh sống cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Tuy nhiên, vượt qua bao nhọc nhằn, khó khăn, anh vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truy bắt ĐTTN.

Có thể nói, trong đấu tranh trấn áp tội phạm, công tác truy nã tội phạm được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Việc truy bắt các loại tội phạm đưa ra xét xử trước pháp luật đã góp phần giáo dục răn đe, cũng như đem lại niềm tin yêu của nhân dân, xây dựng hình ảnh của người chiến sĩ CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Phú Lữ

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây