Một lần theo trinh sát ngược ngàn “đánh án"

Thứ tư - 20/06/2018 00:12
Rồi đây lớp bụi thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ nhưng với tôi ký ức về một lần cùng các trinh sát ngược ngàn “săn” tội phạm ma túy, suýt chết vì... đói thì có lẽ không bao giờ phai mờ trong nghề làm báo.


Tôi đã hàng chục lần tham gia các cuộc "đánh án" và may mắn từng theo chân nhiều điều tra viên, trinh sát có "thương hiệu" trong khám phá các vụ án miền ngược. Các cán bộ Công an này hiện nay đều đã và đang giữ cương vị lãnh đạo của Công an một số tỉnh Tây Bắc. Họ đều là những người lập chiến công xuất sắc, được vinh danh "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu", được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng.

Tây Bắc là tuyến lửa ma túy nên trận tuyến này luôn khốc liệt và bi tráng. Điều tra truy bắt các đối tượng ma túy cực kỳ nguy hiểm bởi hầu hết bọn tội phạm đều sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng "một mất một còn" khi bị Công an truy quét. Dù chỉ tham gia với tư cách phóng viên nhưng lần nào cũng thế, tôi đều có cảm giác căng thẳng, hồi hộp đến nghẹt thở. 

Một lần theo trinh sát ngược ngàn “đánh án
Các trinh sát bắt quả tang đối tượng Lò Văn Hịa ở Thanh Yên (Điện Biên) vận chuyển 4,8kg thuốc phiện.

Vụ tấn công vào sào huyệt ma túy ở Na Ư, huyện Điện Biên bắt giữ tên Lý Giống Minh và một số đối tượng trong đường dây sát hại Trung úy Phạm Văn Cường và hai quần chúng nhân dân; vụ bắt tên Lò Văn Hịa ở Thanh Yên, Điện Biên vận chuyển 4,8kg thuốc phiện trên cánh đồng Mường Thanh; vụ bắt Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Liệu vận chuyển 4 bánh heroin ở vườn mía Thanh Yên hoặc vụ bắt trùm ma túy Sùng A Sếnh ở Pú Nhi, Điện Biên Đông... đều là những kỷ niệm nhớ đời trong đời làm báo khi theo trinh sát "đánh án" ma túy.

Hồi đó Thiếu tướng Đậu Quang Chín, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nên cứ có vụ việc và nguyên tắc cho phép thì các đơn vị nghiệp vụ lại "phím" để chúng tôi xách máy ảnh, máy quay lên đường. Nhiều hôm 2h sáng xe U oát đến đón ở cổng, thấy các trinh sát ném cho cái áo giáp mà vợ tôi bật khóc vì sợ chồng đi chuyến... cuối cùng!? 

Kỷ niệm thì nhiều, gian nan không ít nhưng có một chuyên án tôi không thể nào quên không phải vì nguy hiểm mà lại vì... đói! Hôm đó, tôi theo các trinh sát tham gia chuyên án triệt xóa một đường dây ma túy từ Lào về khu vực bản Na Cô Sa, thuộc xã Mường Toong, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là xã Na Cô Sa, thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Lên Na Cô Sa ngày đó chưa có đường ôtô, nên phương tiện duy nhất có thể đến nơi là đôi chân.

Chạy mải miết từ sáng sớm đến 12h trưa chúng tôi lên Si Ma Phìn, mất hơn một ngày leo dốc, vượt khe mới đến Mường Toong, từ đây lại cuốc bộ vào Na Cô Sa. Đang là mùa mưa nên đường đi hết sức gian nan, hãi nhất là vắt, rắn độc, sau nữa là cái ăn. Nước sông Nậm Pồ và suối Nậm Chẳn dâng cao, tuyến đường rừng hầu như không có dân nên ngoài vũ khí, anh em phải nhét thêm vào ba lô lương thực, thực phẩm. 

Chuyến đi đó, tổ công tác đã lập công xuất sắc, bắt được 2 đối tượng, thu giữ hơn 10kg thuốc phiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Từ địa điểm phục bắt ra trụ sở trung tâm xã Mường Toong cũng phải non hai ngày đường, lại phải vượt qua cả chục khe suối nhỏ và kinh hãi nhất là lúc vượt sông Nậm Pồ. 

Chúng tôi đã không gặp may khi trở ra, mưa to, nước từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về. Nậm Pồ là một nhánh của sông Đà nổi tiếng dữ dằn nay như nổi cơn thịnh nộ. Nước dâng cao, réo ùng ục, cuốn theo những cây gỗ đen trùi trũi như con quái vật lao vùn vụt dưới nước…

Không thể sang sông, 7 anh em trong đoàn cùng 2 tên tội phạm to lừng lững đành phải dựng lán tạm đợi nước rút. Ai đã từng sống ở miền ngược chắc không lạ gì mùa mưa Tây Bắc. Mưa dầm dề, thối đất thối cát cả tháng trời. 

Sông Nậm Pồ ngày đêm réo sôi ùng ục, không thể vượt sông và càng không có phương tiện liên lạc để cầu cứu nên anh em trong tổ phải tự lần mò tìm cái ăn. Đồ ăn mang theo đã ít giờ lại phải “gánh” thêm 2 đối tượng nên lương thực, thực phẩm mang theo cho cả tổ dù dè xẻn cũng chỉ cầm cự được 3 ngày.

Ở giữa rừng già nhưng do trời mưa to, chúng tôi cũng không kiếm được củi khô mà nhóm lửa nên sau hai ngày, tất cả đều bị cơn đói hành hạ đến mệt lả. Đến ngày thứ ba, khi thấy anh em lết về lán với mấy nõn chuối và quả bứa dại chua loét, Thiếu tá Phan Trung Phong, Đội trưởng gọi tất cả vào lán… hội ý. 

Một lần theo trinh sát ngược ngàn “đánh án
Các trinh sát trên đường xuống địa bàn.

Anh chậm rãi cởi từng nút thắt của ba lô, lôi ra cái hộp lương khô. Chao ơi, khỏi phải nói chúng tôi sung sướng đến mức nào. Mỗi người chia nhau một thanh nhấm nháp, chiêu thêm ngụm nước mưa mà tỉnh cả người. Cái vị ngọt ngọt, mằn mặn, bùi bùi, thơm mùi sữa, vị đậu xanh của phong lương khô thực sự đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi.

Hóa ra bằng kinh nghiệm của người cả đời mải miết vượt rừng truy quét tội phạm về ma túy, trước khi lên đường, trong lúc chúng tôi bỏ bớt cho nhẹ vai thì Thiếu tá Phong đã nhét vào ba lô một hộp lương khô. 

Thứ lương thực này khi ở thị xã, mặc dù mấy chị nội cần của đơn vị vẫn mua cho anh em những lần phải đi công tác xa nhưng chẳng mấy khi cánh lính trẻ chúng tôi động đến. Bây giờ thứ thực phẩm dân dã này bỗng trở thành cao lương mĩ vị giữa rừng già. Sau bữa “đại tiệc” đó, mọi người phấn chấn hẳn lên, lại xung phong vào rừng tìm cái ăn để trụ thêm chờ nước rút.

Chúng tôi còn phải ở lại cái lán thông thốc gió lùa giữa đại ngàn mù mịt mưa gió đó thêm 2 ngày nữa, và mỗi tối anh em trong tổ công tác và 2 gã tội phạm kia lại được “liên hoan” bằng một phong lương khô. Nước rút, vượt qua “ải” sông Nậm Pồ sau đó là suối Nậm Chẳn, đi bộ thêm 2 giờ nữa chúng tôi gặp lực lượng “cứu viện” từ huyện tăng cường. Có mì gói, sau đó có cả cơm nóng, nhưng mấy anh em vẫn vồ lấy phong lương khô ngấu nghiến mà nước mắt giàn giụa!.

Đầu những năm 2000, thực hiện cuộc điều tra cơ bản toàn diện, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu mỗi năm 2 đợt tổ chức tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện 3 cùng với nhân dân. 

Hơn 10 năm trước, đường sá đâu được như bây giờ, đến địa bàn chỉ bằng đôi chân nên lương khô vẫn là lương thực chính cho các tổ công tác. Và cũng sau cái đận phải nhịn đói nằm rừng đó, bất kể chuyến ngược rừng nào, không ai bảo ai chúng tôi đều tự nhét vào ba lô mấy gói lương khô. 

Ngoài việc phục vụ bữa ăn “dã chiến”, còn gì thi vị hơn khi giữa đêm hôm khuya khoắt, nằm phục đối tượng lại có thanh lương khô nhấm nháp. 

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cho đến tận bây giờ, tôi và đồng đội đều cảm thấy chưa có món ăn nào lại ngon và ám ảnh chúng tôi như mấy phong lương khô mấy ngày đói khát ở đại ngàn năm nào…

Người Đội trưởng dũng cảm Phan Trung Phong không còn ở lại với chúng tôi. Tội phạm không làm gì được anh, nhưng anh bị sốt rét rừng và căn bệnh hiểm nghèo vô tình mắc phải khi bắt tội phạm ma túy đã quật ngã. Và anh ra đi mãi mãi khi mới bước sang tuổi 40. Mỗi năm đến ngày giỗ, chúng tôi lại đến nhà thắp cho anh nén nhang và trong cái lễ nhỏ đặt lên bàn thờ giản dị ấy lần nào cũng có 3 gói lương khô…

Sau này những hình ảnh chân thực chúng tôi thực hiện trong chuyến ngược ngàn nhớ đời ấy được dựng thành phóng sự dự thi và những hình ảnh "đắt" đó còn được sử dụng nhiều lần trong các cuốn phim tư liệu phát sóng trên Đài PTTH tỉnh Lai Châu và Chương trình Vì ANTQ, "có mặt" cả trong hình hiệu của chương trình An ninh địa phương... Đó cũng chính là động lực để chúng tôi nuôi dưỡng đam mê nghề báo: Vất vả, hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Tác giả: Hoa Tuyết Lan

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây